16 ca khúc với giai điệu vừa trầm lắng, tha thiết, vừa sôi động, cuồng nhiệt, các nghệ sĩ Nga đã đưa đến cho khán giả những giây phút hào hứng, sôi nổi. Những cô gái Nga xinh xắn, dịu dàng, vui tươi trong trang phục rực rỡ của người Nga, những chàng trai Nga phong độ, cùng phong cách biểu diễn đầy nghệ thuật, mang chút ngẫu hứng đưa đến cho người xem về hình ảnh của người Nga đôn hậu, quả cảm. “Chiều hải cảng”, “Triệu đóa hoa hồng”, “Người mẹ bé nhỏ”, “Dọc đường phố”... là những ca khúc quen thuộc, thân thiết với Việt Nam. Nhiều ca khúc lạ, nhưng khán giả vẫn say sưa bởi cách trình diễn mang tính dân gian. Bởi vẻ đẹp lôi cuốn của những cô gái, chàng trai đến từ nước Nga vĩ đại. Cứ sau mỗi tiết mục, khán giả lại xuýt xoa: “Hay quá, đẹp quá”. Diễn viên đẹp đến nỗi tất cả các tay nhiếp ảnh nổi tiếng ở Huế có mặt ở Đại nội tối 8/4 đều tập trung cả về đây.

 “Hay “góa” ta” - Một khán giả lớn tuổi, nói giọng Nam bộ đặc sệt, cứ lặp lại mãi câu nói ấy sau mỗi tiết mục kết thúc. Một phụ nữ khoảng 50 tuổi, chăm chú xem với vẻ mặt xúc động. Tôi thấy rõ giọt nước mắt trên gương mặt chị. “Tôi đã từng nghiên cứu sinh ở Nga. Giờ nghe lại những ca khúc này. Thấy tận mắt những cô gái, chàng trai người Nga, tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng học tập bên đó. Nhớ những tình cảm của thầy giáo, bạn học Nga đã dành cho mình...”. Người phụ nữ nói giọng đầy xúc cảm.
 
Cho dù trên sân khấu có sôi động, cuồng nhiệt thế nào, khán giả Huế vẫn rất hiền lành, lắng nghe một cách chăm chú, để rồi những tràng vỗ tay kéo dài không dứt, những tiếng xuýt xoa, tiếc nuối khi chương trình kết thúc. Cả khán giả lẫn nghệ sĩ đều không muốn chia tay. Người trưởng đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc hàn lâm Quốc gia Nga Piatnitsky đã xúc động nói: “Các nghệ sĩ của đã cảm động trước tình cảm nồng nhiệt của người Huế, người Việt Nam. Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ được phục vụ các bạn giới hạn trong chương trình này. Hy vọng Festival Huế năm sau, chúng tôi lại tiếp tục được gặp lại các bạn”.

 Xuân Hồng