Rất bận rộn với các công việc điều chỉnh, sơ duyệt, tổng duyệt các chương trình nghệ thuật do TTBTDTCĐ Huế phụ trách, nhưng ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm vẫn cho tôi thời gian về các lễ hội này. Tập cảnh lễ cưới công chúa Huyền Trân trong Hành trình mở cõi

Trong 4 chương trình, thì Đêm Hoàng cung, Lễ Tế giaoHuyền thoại sông Hương đều là những chương trình đã từng được dàn dựng trong các kỳ Festival trước. Chỉ riêng Hành trình mở cõi là lễ hội mới, lần đầu tiên được dàn dựng và cũng là một điểm nhấn quan trọng trong kỳ Festival này. 

Giới thiệu về Hành trình mở cõi, ông Phùng Phu cho biết: Công cuộc mở cõi về phương Nam, cùng với chính sách công điền, công thổ... của ông cha ta là một diễn tiến lịch sử khách quan. Chúng ta mở cõi bằng con đường hoà bình, con đường hướng đến chân thiện mỹ, hài hoà giữa văn hoá, cộng đồng các dân tộc. “Hành trình mở cõi” tại Festival Huế 2010 sẽ thể hiện điều đó bằng ánh sáng, âm thanh cùng các tiết mục nghệ thuật.

“Hành trình mở cõi” không phải là những bước đi, không phải là những bước nhảy và những con số, mà là hành trình khẳng định về chủ quyền, nền độc lập của Việt Nam; khẳng định sự thống nhất đất nước với sự toàn vẹn về lãnh thổ; khẳng định một thời đại Hồ Chí Minh với những bản sắc văn hoá tạo nên nội lực để hội nhập và phát triển. Vì vậy, thông điệp của đêm hội là “Toàn vẹn chủ quyền độc lập dân tộc, thống nhất non sông, xây dựng đất nước hoà bình và phát triển”.

Hành trình mở cõi được xây dựng trên cơ sở lựa chọn các sự kiện lịch sử gắn với diễn trình mở cõi: Công cuộc Nam tiến bắt đầu bằng một cuộc hôn nhân (Lễ cưới công chúa Huyền Trân, 1306); Nguyễn Hoàng vào Nam, đặt nền móng cho sự khai phá Đàng Trong (1611), các chúa Nguyễn lập Khu Dinh điền ở Biên Hoà (1623), dời thủ phủ vào Kim Long (1635), lập Sài Gòn- Gia Định (1698), năm 1757, lập nên Cà Mau (1757); vua Quang Trung lên ngôi, chọn Huế là Kinh đô của cả nước; sau đó ra Bắc đại phá quân Thanh (1788); vua Gia Long thống nhất đất nước (1802), đặt Quốc hiệu Việt Nam (1804); Cách mạng Tháng Tám thành công (1945); Thống nhất hoàn toàn đất nước (1975).

Kịch bản được kết cấu thành 03 chương: chương 1: Diễn trình mở cõi; chương 2: Thống nhất giang sơn và chương 3: Ngày hội non sông thông qua 7 hồi diễn chính và các lớp diễn phụ từ sân khấu Kỳ Đài và mặt nước Hộ thành hào.

Những ngày này, lực lượng nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cũng đang tập đêm tập ngày theo kịch bản của các chương trình lễ hội, phục vụ Festival. Nếu 3 chương trình đã từng được dàn dựng trong các kỳ Festival trước tạo thuận lợi cho anh chị em diễn viên Nhà hát, thì cái khó nhất lại rơi đúng Hành trình mở cõi. Bởi, chương trình mới, thời gian luyện tập lại gấp rút.

Chúng tôi đến Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đúng ngày anh chị em diễn viên khởi tập cho Hành trình mở cõi. Không khí chộn rộn từ tiếng nhạc nền vọng ra từ Duyệt Thị Đường, đến lịch tập được phân công kín trên bảng thông báo. Ông Trần Đại Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát cho biết: “Cái khó lớn nhất là thời gian luyện tập gấp rút quá. Chúng tôi phải chia nhiều nhóm, tập ở những nơi khác nhau và chủ động tập trước những đoạn, cảnh đã được thống nhất. Kịch bản hoàn thiện đến đâu, chúng tôi chủ động điều chỉnh đến đó. Hiện nay, tinh thần của anh em diễn viên rất tốt. Ai cũng háo hức vì được tham gia trực tiếp vào Festival. Đẩy là thuận lợi lớn để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình và góp phần vào sự thành công của Festival.”

Bài và ảnh: Đồng Văn