TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội, cho biết: “Thiên Hạ Thái Bình” thể hiện sự kết nối và kế thừa các lễ hội “Huyền thoại sông Hương” và “Hành trình mở cõi” đã được tổ chức tại kỳ Festival trước. Được xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của cả nhân loại và cũng là của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với hoạ ngoại xâm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, về một đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm, chương trình sẽ là sự kết hợp giữa Nhã nhạc, múa với những áng thơ bất hủ vốn được chạm khắc trên các kiến trúc cung đình Huế”.
...Vào thế kỷ thứ X, trong trận đại chiến chống quân Tống lần thứ nhất trên sông Bạch Đằng, bài thơ Nam Quốc Sơn Hà đã được Lê Hoàn dõng dạc tuyên bố như một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời”. Bài "thơ Thần" ấy được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt. Và đến thế kỷ XV, sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đất nước, vua Lê Thái Tổ đã ban bố Bình Ngô Đại Cáo, một lần nữa khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Đến thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, trong bản tuyên ngôn lần thứ ba, niềm tự hào về một đất nước văn hiến, hùng cường, thái bình thịnh trị lại càng vang lên mạnh mẽ: “Nước ngàn năm văn hiến/ Thống nhất toàn giang san/ Thuở Hồng Bàng lập quốc/ Thịnh trị cả trời Nam”. Bài thơ mang tính chất tuyên ngôn này được các vua triều Nguyễn cho chạm khắc vào vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hoà - nơi đặt chiếc ngai vàng biểu trưng quyền lực của triều đại. Những áng thơ này cũng sẽ là mạch dẫn cho “Thiên Hạ Thái Bình”, từ “Nước ngàn năm văn hiến” (chương 1) đến “Muôn dân hưởng thái bình” (chương 2), và kết bằng “Thịnh vượng một trời Nam” (chương 3).
TS. Phan Thanh Hải nói thêm, “Thiên Hạ Thái Bình” sẽ được thể hiện qua sân khấu nổi trên sông Hương, với phần trung tâm là hình ảnh quả cầu Cửu Long (một bảo vật của Huế, cũng là biểu tượng của năm Rồng) và hậu cảnh là chiếc cầu Trường Tiền duyên dáng. Tổng đạo diễn của chương trình là đạo diễn Lê Quý Dương – người gắn bó với Huế từ Festival 2006 và lực lượng chính là đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế.