Thủy Thanh (Hương Thủy) là miền quê hội đủ các điều kiện để tham gia Festival Huế: Cầu Ngói Thanh Toàn là một trong bốn cầu ngói của cả nước, đã đi vào thơ ca “Ai về cầu Ngói Thanh Toàn, cho em đi với một đoàn cho vui”. Đây là vùng quê có nhiều phong cảnh hữu tình, có sông Như Ý đi qua thuận tiện cho việc tổ chức đua ghe; có chợ nơi mua bán các thứ hàng nông sản, thực phẩm của người dân trong vùng. Tuy nhiên, ý tưởng thì hay nhưng khi triển khai cụ thể thì có biết bao khó khăn, trở ngại. Khó nhất lúc ban đầu là người dân Thủy Thanh chưa thấy cái lợi lớn nhất từ tham gia Festival Huế, đối với xã Thủy Thanh là nâng cao uy tín của vùng quê, từ đó mở ra một trang mới trong việc tuyên truyền, quảng bá cho khách du lịch. Ngoài ra là kinh phí tổ chức, phải trông đợi vào sự hỗ trợ của Ban tổ chức Festival Huế.
Cứ qua một kỳ Festival, “Chợ quê ngày hội” được hoàn thiện và nâng cao. Người dân Thủy Thanh với trách nhiệm chủ nhân của cuộc chơi được đánh giá là có nhiều tiến bộ và hiệu quả thu được từ lễ hội cũng lớn hơn qua các kỳ festival. Festival Huế ngày càng chuyên nghiệp, người dân tự nguyện tham gia các hoạt động “Chợ quê ngày hội”. Mặt khác, thông qua các tour du lịch, lễ hội đã được đưa vào sách hướng dẫn du lịch của quốc gia và quốc tế. Mỗi kỳ Festival có hàng ngàn người dân tham gia. Nhân dân phấn khởi chào đón khách du lịch, coi đây là cơ hội phát triển sản phẩm du lịch.
“Chợ quê ngày hội” Festival 2012 được chuẩn bị chu đáo, dự kiến diễn ra từ ngày 07/4 đến ngày 15/4/2012. Về với “chợ quê” là một hình thức du lịch tìm hiểu nghệ thuật sống của miền quê thanh bình. Điều đáng mừng là kỳ này, khu vực diễn ra hội chợ quê rộng rãi hơn; có lễ cáo, tế cung nghinh hương linh phu nhân Trần Thị Đạo về cầu Ngói Thanh Toàn; khai mạc hội đua nghe truyền thống của các xã, phường trong thị xã Hương Thủy.
Để làm phong phú, đa dạng hội thi, các môn thể thao dân tộc được tổ chức, như: nhảy bao bố, kéo co, đẩy gậy, vật tay, bịt mắt đập om, đi xe đạp chậm. Bên cạnh họat động của Nhà trưng bày Nông ngư truyền thống Thủy Thanh là hội thi vẽ tranh của thiếu nhi, hội thi chằm nón bài thơ của phụ nữ... Bộ tem về cầu ngói của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được phát hành dịp này. Mục đích của “Chợ quê ngày hội” trong Festival 2012 là giới thiệu với du khách bốn phương về một vùng quê an bình.
Theo suy nghĩ của tôi, cần tiếp tục làm rõ một số việc, như sau: Đây là lễ hội, như vậy phải có lễ và có hội; lễ ngắn gọn súc tích, còn chủ yếu là hội. Cần điều chỉnh một số điểm nhấn của lễ hội, đó là cầu Ngói Thanh Toàn và bảo tàng các nông cụ xưa và nay. Cần đặc biệt quan tâm về các vấn đề trật tự trị an. Trong lễ hội vấn đề ăn mặc cũng nên tính đến, các cụ ông nên mặt áo dài, khăn đóng, mang theo ô che nắng, che mưa...
Lê Viết Xê
Một phiên "Chợ quê ngày hội" tại Festival Huế. Ảnh: Internet