Lần ấy, chúng tôi có được hạnh phúc là trực tiếp nghe nghệ sỹ Nguyễn Hữu Ba thể hiện tài hoa của mình với cây đàn nhị khi độc tấu hay hòa tấu các bài bản ca Huế.

Tuổi đã ngoài 60, nghệ sỹ như trẻ lại khi được gặp các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sỹ, ca sĩ ca nhạc Huế trong Nam ngoài Bắc. Và tiếng đàn nhị của ông như nỉ non, da diết hơn.

Giáo sư Nguyễn Hữu Ba

Tuy nhiên 40 năm trước (năm 1937), tại hội chợ Huế, ông đã được tặng giải hạng ưu với nghệ thuật biểu diễn cây đàn nhị. Trước đó nữa vào năm 1930, ông đã đệm đàn nhị cho cô ca sỹ tên Nhơn – một ca sĩ ca Huế nổi tiếng để thu đĩa cho hãng Beka nước Đức. Có thể nói, năm 1930 là năm đánh dấu sự nghiệp âm nhạc vẻ vang và dài lâu của người nhạc sỹ với ước vọng:

Nguyền nối liền cung đàn vạn thuở

Nắn ngày xưa, rung chuyển tận ngày sau

Nhạc sỹ Nguyễn Hữu Ba, hồi nhỏ có tên là Nguyễn Hữu Tửu, sinh năm 1913, tại làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Gia đình ông là một nhà nông nhưng lại có truyền thống về âm nhạc. Anh cả, anh thứ và chị của ông đều là những danh cầm, danh ca về ca nhạc Huế nổi tiếng. Mẹ ông là một phụ nữ đảm đang, có biệt tài về sáng tác ca dao, câu hò, thuộc truyện Kiều, là người có ảnh hưởng sâu sắc và góp phần quan trọng đến định hướng, phát triển sự nghiệp của các con. Thấy Nguyễn Hữu Ba sớm bộc lộ năng khiếu về âm nhạc, mới 6 tuổi, ba mẹ ông đã cho ông học đàn bầu ở thị xã Quảng Trị. Ngôi nhà mà ông đã khổ luyện học hát, học đàn có tên “Am Sầu Đông” ở trong thành Quảng Trị.

Đội Nhã nhạc cung đình Huế được Giáo sư Nguyễn Hữu Ba và GS.TS Trần Văn Khê tập họp vào đầu những năm sáu mươi. Ảnh: Internet

Trước sự xâm nhập của nhạc Tây phương, ông đã sớm có ý thức, vừa học nhạc lý Tây phương, vừa nghiên cứu cải tiến việc ký âm nhạc dân tộc sao cho khoa học, thay cho ký âm theo thang ngũ cung. Ông gọi đây là phương pháp Tây phương Việt Nam hóa. Dự kiến này ông còn tiếp tục mãi về sau, nhất là khi ông giữ chức Giám đốc Trường Quốc gia & kịch nghệ Sài Gòn và Huế. Sáng kiến đầy tâm huyết này được ông biên soạn thành giáo trình giảng dạy, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn được đánh giá cao và áp dụng.

Mùa thu 1945, ông tham gia cách mạng ở Huế. Tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã sáng tác một loạt bài hát mới hừng hực khí thế cách mạng, kêu gọi lớp lớp người vùng lên bảo vệ chính quyền non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng như các bài: Ánh dương trời Nam, Tiếng hát quân Nam, Thanh niên đồng tiến, Thu khói lửa,… Tuy nhiên âm nhạc dân tộc mới là sự nghiệp của người nghệ sĩ tài hoa này. Năm 1949, Nguyễn Hữu Ba sáng lập Tỳ Bà Trang, sau đổi thành Tỳ Bà Viện ở đường Cột Cờ nay là số 51 Ông Ích Khiêm – thành phố Huế. Ông còn là Phó Hội trưởng Hội âm nhạc Trung Việt mà ông là một trong những người sáng lập. Hoạt động của Tỳ Bà Viện rất phong phú; là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động như biểu diễn ca nhạc Huế, khảo cứu các loại hình âm nhạc dân tộc, vận động sáng tác, dạy đàn, hát ca Huế, hội thảo… Năm 1960, khi làm giám đốc trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, ông thành lập thêm một Tỳ Bà Viện thứ hai ở Sài Gòn và xây dựng một cơ quan văn hóa khác là Trung tâm Phục hưng quốc gia Việt Nam. Năm 1970, ông trở ra Huế làm Giám đốc Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Huế. Sau năm 1975, ông làm việc tại Phân viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984, Giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba được phong danh hiệu nghệ sỹ ưu tú ngành ca Huế. Ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1997, thọ 84 tuổi.

Tấm lòng đối với âm nhạc dân tộc nói chung và ca nhạc Huế nói riêng của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Ba thật đáng trân trọng. Sinh thời nhà thơ Ưng Bình (1877 – 1961) đã có lời thơ bình dị mà sâu sắc ca ngợi công lao, tài đức của nhạc sỹ Nguyễn Hữu Ba:

Con chim hoàng anh đậu cành dương liễu

Con chim hoàng điểu đậu cánh mai hoa

Giữa xuân kinh có Viện Tỳ Bà

Nhạc sư có Nguyễn Hữu Ba nước mình.

Giáo sư, nhạc sỹ Nguyễn Hữu Ba có nhiều công trình về âm nhạc, tiêu biểu là các tác phẩm: Ký âm pháp quốc nhạc Việt Nam, Bản đàn Tỳ Bà, Bài ca Huế, Dân ca Việt Nam… Và như có lần chúng tôi đã giới thiệu, ông cùng GSTS Nhạc sỹ Trần Văn Khê là những người đã có công thực hiện các đĩa âm nhạc truyền thống Việt Nam cho tổ chức UNESCO để giới thiệu ca nhạc Việt Nam ra thế giới, trong đó có ca nhạc Huế.

Cả cuộc đời vì sự nghiệp âm nhạc dân tộc, cho đến lúc lâm chung, nhạc sỹ Nguyễn Hữu Ba vẫn còn căn dặn hậu thế: “Quốc nhạc là quốc hồn”, phải lo giữ gìn “bản sắc dân tộc trước đã”.

Minh Khiêm