Điều dễ thấy là các lễ hội, các hoạt động chính cũng như nhiều hoạt động văn hoá cộng đồng tại Festial Huế đều diễn ra trên địa bàn TP, nên khi chứng kiến quá trình chuẩn bị của các đơn vị chức năng, người dân Huế càng nóng lòng chờ ngày khai hội. Bà Trần Thị Gái, phường Thuận Hòa (Huế) cho rằng: “Các kỳ festival trước luôn có nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn nên trông chờ festival diễn ra là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, festival có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc mà lại không mất tiền nên không lý do gì mà không đi”. Đây quả thật là suy nghĩ chung của nhiều người dân Huế, bởi qua các kỳ festival trước, ngoài các chương trình nghệ thuật phải mua vé, có rất nhiều hoạt động diễn ra ngoài trời, trong đó có những chương trình đầu tư rất hoành tráng, công phu mà người dân Huế cũng như người dân trong tỉnh và du khách có dịp thưởng thức miễn phí. Tính đến bây giờ, chủ nhân TP Huế đã đón 10 kỳ festival do tỉnh và TP tổ chức. Dù vậy, với mọi người, mỗi kỳ Festival đều có những điều mới lạ. Festival cũng góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và con người xứ Huế. Giờ đây nói đến Huế, nhiều người không chỉ nhớ đến một Huế đẹp có “núi Ngự bên bờ sông Hương”, có hai di sản văn hoá vật thể và phi vật thể… mà còn có những Festival với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Một người bạn của tôi cho hay, theo kế hoạch, bạn sẽ đi du lịch vào đầu tháng 4 nhưng vì Festival nên đành hoãn lại. Lý do mà bạn tôi đưa ra, khách du lịch ở xa người ta còn tìm đến Huế trong những dịp Festival, huống gì mình là “người nhà” lại rời Huế trong những dịp như thế này. Trong suy nghĩ của nhiều người dân Huế, cũng nhờ có Festival mà bộ mặt TP khang trang, sạch đẹp hơn.
Festival được tổ chức tạo cơ hội cho các tiểu thương buôn bán
Trông đợi vào Festival nhất có lẽ là những người kinh doanh buôn bán. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ một quán ăn ở Vỹ Dạ tin tưởng: “Festival được tổ chức chắc chắn khách du lịch đến Huế nhiều hơn và việc buôn bán sẽ hiệu quả hơn”. Dạo quanh các chợ và lắng nghe ý kiến của một số tiểu thương, chúng tôi đều nhận được câu trả lời như vậy. Một điều đáng ghi nhận là, để khách du lịch không bị ép giá và các tiểu thương có thái độ giao tiếp lịch thiệp với khách, mới đây, Sở Công thương phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức buổi tọa đàm, tuyên truyền đến tiểu thương các chợ Đông Ba, An Cựu. Chị Nguyễn Khoa Hoài Hương, Trưởng BQL chợ Đông Ba cho biết thêm, chợ Đông Ba tồn tại chủ yếu nhờ vào lượng khách du lịch cho nên việc đưa ra giá cả hợp lý và thái độ ứng xử lịch thiệp đối với du khách rất quan trọng. Vì vậy, trong mô hình xây dựng chợ văn minh và trong những dịp như thế, BQL chợ đều tuyên truyền cho các tiểu thương hiểu được những điều đó. Cũng theo chị Nguyễn Khoa Hoài Hương, ngay trước ngày khai mạc Festival Huế 2012, chợ sẽ tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ và duyên dáng áo dài. Qua đó, BQL chợ sẽ vận động các chị tiểu thương mang trang phục áo dài trong những ngày festival diễn ra.