Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết: Lễ hội “Hương xưa làng cổ” được tổ chức trên tinh thần vui tươi, thiết thực, an toàn và tiết kiệm.


Nhà rường cổ Phước Tích sẵn sàng đón khách

Lễ hội “Hương xưa làng cổ” lần thứ IV, năm 2012 được tổ chức lồng ghép 3 phần, bao gồm phần lễ, phần hội và tham quan du lịch. Trong đó, phần lễ, có lễ tế Kỳ Phước (cầu cho quốc thái - dân an) được dân làng Phước Tích tổ chức vào ngày 8-4. Phần hội được tổ chức vào các ngày 9 và 10/4, gồm các nội dung: Đua nghe trên sông Phước Tích; thi nấu cơm nhanh, thi làm bánh; tổ chức các lễ hội dân gian, truyền thống như kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy...

Ông Trần Quang Cườm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền, Phó ban tổ chức lễ hội “Hương xưa làng cổ” cho biết: Ngoài công tác vệ sinh môi trường, tạo bộ mặt mới cho làng cổ, thì một số hạng mục hạ tầng cũng được đầu tư. Hệ thống hoa và cây xanh được trồng tại các điểm di tích, trong vườn nhà của các gia đình; các gian trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, quảng diễn nghề truyền thống cũng đã được chuẩn bị chu đáo; các sân bãi phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng đã xong. Trên các trục đường dẫn vào khu nhà rường được chính quyền địa phương đầu tư lát gạch, tạo sự thông thoáng để du khách vào tham quan. Một khu vệ sinh công cộng cũng được đầu tư với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

Nét mới của lễ hội “Hương xưa làng cổ” lần này là, nhiều sản phẩm hàng thủ công truyền thống của quê hương Phong Điền được trưng bày, giới thiệu với du khách. Đặc biệt, là chương trình quảng diễn nghề gốm Phước Tích (kể cả các công đoạn đun nấu), điêu khắc Mỹ Xuyên, đan lưới Phong Bình...  Lần đầu tiên Đoàn Nghệ thuật Thái Lan và Đoàn nghệ thuật Dân tộc Lào Cai đến tham gia biểu diễn tại lễ hội. Thuyền máy cũng đã được chuẩn bị để phục vụ khách tham quan làng cổ Phước Tích bằng đường sông. Huyện cũng đã đầu tư 20 chiếc xe đạp phục vụ khách tham quan về với làng cổ và các điểm di tích, văn hóa trên địa bàn.

 Nâng cấp các tuyến đường vào làng cổ phục vụ du khách

Bà Trương Thị Thú - chủ nhân của ngôi nhà rường cổ trên 100 tuổi phấn khởi: Người dân chính là chủ nhân của lễ hội “Hương xưa làng cổ”. Khi có chủ trương của chính quyền địa phương, người dân đã rất tích cực để dọn dẹp nhà cửa, chỉnh trang lại sân vườn, đường làng, ngõ xóm chào đón du khách đến với lễ hội.

Bài, ảnh: Anh Phong