“Hóa thạch sống” bên dòng sông Hương là chương trình trong khuôn khổ các sự kiện của Festival Huế 2012 do Công ty XQ Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh 2 nghệ nhân ca Huế tài hoa Minh Mẫn (87 tuổi) và Thanh Hương (84 tuổi).


Nghệ nhân Minh Mẫn và Thanh Hương được tôn vinh bởi những đóng góp của mình cho ca Huế

Chương trình đã thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, các nghệ nhân thuộc nhiều lĩnh vực cùng hàng trăm du khách tham dự. Bước chân vào Bến XQ Cổ Độ (49 Lê Lợi), người tham dự như được đặt chân đến một không gian lung linh, huyền ảo và cổ xưa.
 
Trong chương trình chính lễ tôn vinh “Hóa thạch sống”, hai lão nghệ nhân ca Huế là Minh Mẫn và Thanh Hương đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ thêu XQ Việt Nam rước, dâng tặng lễ vật và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng. Đây là sự tri ân đối với những đóng góp của hai lão nghệ nhân trong việc giữ gìn, truyền dạy di sản ca Huế cho thế hệ trẻ.
 
Thay mặt các nghệ nhân, nghệ sĩ XQ, Tổng giám đốc XQ Việt Nam Võ Văn Quân cảm ơn hai nghệ nhân cao tuổi, đại diện cho các nghệ nhân thuộc các lĩnh vực ngành nghề nghệ thuật đã dành cả cuộc đời theo đuổi, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Việc tổ chức đêm hội “Hoá thạch sống” là sự nhắc nhở mọi người về những “báu vật sống” của nghệ thuật dân tộc, qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm và sự trân trọng của xã hội với các nghệ nhân.
 

Tham gia đêm hội, mọi người được thưởng thức các làn điệu ca Huế do nhóm ca Huế Nguyễn Thị Lợi biểu diễn
 
Được tôn vinh sau một thời gian dài cống hiến hết mình cho ca Huế, nghệ nhân Minh Mẫn xúc động: “Đêm qua tui không ngủ được vì mừng. Không chỉ vì tui được tôn vinh mà vì thế hệ sau này đã biết quý trọng những giá trị truyền thống của ông cha”.
 
Nhà văn, dịch giả Bửu Ý chia sẻ: “Tôn vinh các tài năng như nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ nào đó là hoạt động thường xuyên. Thế nhưng, việc vinh danh 2 nghệ nhân ca Huế lão thành dường như là chuyện hiếm gặp nhưng cần phải làm. Bởi, họ đã đem sở trường của mình trải lòng một cách hồn hậu, nguyện trút hết sức lực như con tằm nhả tơ để đem lại lời ca tiếng hát cho mọi người”.
 
Đêm hội còn tạo ấn tượng với người xem bằng nghi thức “Nhập định” sông Hương, chương trình biểu diễn ca Huế “Hơi thở sông Hương”. Tại đây, đại biểu và du khách đã được thưởng thức những làn điệu ca Huế do hai nghệ nhân thể hiện với chất giọng mượt mà, đầy cảm xúc. Chương trình cũng tái hiện lại cảnh sinh hoạt của các nghệ sĩ bên dòng sông Hương, nghe đọc thơ, nhạc, xem tranh, thư pháp, đặc biệt là màn thêu tay của nghệ nhân Bang Bệ Luyl, người dân tộc Lạch trình diễn điệu thức thêu tay truyền thống của nghề thêu Huế cùng phần ngâm thơ của nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh.

Trang Hiền