Để có một Festival Huế đa dạng, phong phú như thế này, phải kể đến bạn bè bốn phương góp nên sắc màu cho buổi đại tiệc văn hóa. Nhiều đoàn nghệ thuật nước ngoài tự bỏ kinh phí tham gia Festival Huế. Nhiều cá nhân trút hầu bao tổ chức triển lãm, sắp đặt độc đáo tại Festival. Tôi rất thích cụm từ mà một số tờ báo dành cho họ: “những người chịu chơi”. Hình thành nên con đường tranh Lê Ngô Cát, họa sĩ đã tích cóp tiền vẽ tranh, bán tranh suốt thời gian dài. Các đêm văn nghệ gây quỹ; hoạt động giao lưu, tặng quà cho trẻ khuyết tật… làm nên một Huế Xa quy mô nhờ tài trợ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm người Huế. Và nhiều triển lãm tranh khác, chủ nhân của chúng tự bỏ tiền túi, mang đến cho Huế những sản phẩm của tài năng và lòng hào hiệp. Họ yêu Huế, quý con người Huế lắm mới quyết định dốc tâm huyết, chọn chốn này làm nơi ra mắt đứa con tinh thần. Họa sĩ Thân Văn Huy - Chủ nhân của sắp đặt hoa giấy Thanh Tiên tâm sự: “Ban tổ chức hỗ trợ phần nào thì mừng phần đó. Mỗi lần tổ chức hoạt động là mất công, tốn sức nhưng nếu không tham gia, không làm một cái chi đó cho festival thì cảm thấy trong người bứt rứt không yên. Chẳng lẽ mình đứng ngoài cuộc chơi”!

Trong cuộc trò chuyện với một số Việt kiều về tham dự Festival Huế, một vị giáo sư thỉnh giảng ở các trường đai học Mỹ nói rằng, đến sân khấu nào, ông cũng gặp các bạn trẻ. Trong đêm mưa, lạnh; người trẻ đi đông hơn người già. Họ tạo nên không khí sôi động cho lễ hội và góp phần trẻ hóa lớp khán giả… Lễ hội vẫn có sức hấp dẫn của riêng nó, không như báo chí nước ngoài từng nhận xét một cách phiến diện. Có hấp dẫn mới “dụ” được người ta ra đường đi chơi… Nghe thông báo năm nay, chương trình có nhiều nét mới; thậm chí chương trình cũ mà hay thì người vẫn đổ về đông như kiến. Nhiều buổi diễn, người xem chen chân không lọt; thậm chí cầm vé mua, vé mời hạng vip trong tay vẫn đứng ngoài vì sân khấu quá tải. Điều này chứng tỏ, người dân rất muốn chơi và chịu chơi cho dù thời tiết có phức tạp, không gian có phần chật chội, ồn ã. Một văn nghệ sĩ nghe chuyện chen nhau xem hội vội lấy làm mừng. Ông mừng vì lâu lâu mới thấy dân Huế chịu bỏ tiền túi để mua vé xem văn hóa nghệ thuật.
 
Khán giả còn tạo nên những ấn tượng khó phai trong lòng các nghệ sĩ. Họ đứng xem truyền hình trực tiếp qua màn hình bên ngoài; đội mưa thưởng thức văn nghệ; thậm chí là xin tham gia múa, hát cùng diễn viên. Nhiều nghệ sĩ khi trả lời báo chí đều thấy hài lòng, cảm kích trước khán giả Huế. Âu đó cũng là lối ứng xử nhiệt thành, cách chơi đẹp của những người đang ở vị trí chủ nhân festival.
 
Nhiều lễ hội nước ngoài khi tổ chức thường giao hẳn cho một đơn vị hay cá nhân nào đó bao thầu để tính chuyện lợi nhuận, do đó, có những chương trình chỉ giới thượng lưu mới có thể tham gia. Lễ hội ta, hay nói theo cách dùng từ trước nay là Festival Huế - vẫn có nét khác biệt, đó là tính mở, hướng về cộng đồng. Những người dân vùng sâu, vùng xa, nông dân, bệnh nhân đều có thể cảm nhận được giai điệu festival. Kinh phí cho festival này chắc chắn không ít, những người tổ chức cũng chịu chơi không kém khi chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Có lẽ nhờ vậy, người dân mới có thể thưởng thức nghệ thuật một cách no nê như festival năm nay.
 
Nhìn nhận thẳng thắn, còn một số tồn tại khiến vài hoạt động thiếu hấp dẫn; du khách chưa hài lòng khi vấp phải “sạn” trong bữa tiệc nghệ thuật mang tầm quốc tế này. Hy vọng, Festival Huế vẫn là thương hiệu hấp dẫn bạn bè trong, ngoài nước và những người chịu chơi còn về với Huế trong mùa lễ hội. 

Tuệ Ninh

Festival Huế hấp dẫn bạn bè trong, ngoài nước