Tại buổi đối thoại, có gần 100 câu hỏi liên quan đến các vấn đề về bảo tồn di sản, phát triển du lịch và Festival Huế. Trong đó, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, ban ngành đã trả lời trực tiếp gần 50 câu. Các câu hỏi đề cập đến nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các di sản văn hóa; kinh phí dành cho hoạt động trùng tu, bảo tồn; tài nguyên du lịch chưa được đầu tư khai thác tối đa, đặc biệt là các tài nguyên du lịch tự nhiên và một số tài nguyên lịch sử - văn hoá; sản phẩm dịch vụ chưa phong phú, các dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí còn nghèo nàn; tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch; di tích đang bị xuống cấp, bị xâm hại, nhiều di tích đang còn đối diện với nguy cơ “làm mới” ...
 
Buổi đối thoại giúp cho lãnh đạo tỉnh có những định hướng, chỉ đạo kiên quyết, triệt để hơn nữa trong phát triển du lịch, gắn với bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa; phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước; một trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực miền Trung; đưa thương hiệu Huế - thành phố Festival trở nên nổi tiếng khắp thế giới; xứng đáng “Huế - một quê hương của hạnh phúc”, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình đặc thù “Thành phố sinh thái, thành phố di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”.
Thái Bình