Bù lại, vài hôm sau, hai chúng tôi được thưởng thức đêm “Dạ nhạc tiệc” trong Hoàng Cung. Tiết mục này lạ đây, nên đắt chút cũng mua vé vào một lần cho biết. Những chiếc đèn lồng sặc sỡ, những trang phục đại lễ, những bàn tiệc đẹp mắt trong âm hưởng của nhạc cổ truyền Việt Nam và hiện đại tạo ra không khí thanh tao và hài hòa của đêm tiệc Hoàng Cung. Dạ nhạc tiệc với sự dàn dựng âm thanh và ánh sáng của nghệ sĩ Pháp tài ba Philippe Decouflé. Món ăn rất ngon. Tôi được biết để có những món ăn trong đêm Dạ nhạc tiệc, các đầu bếp nổi tiếng của Công ty Du lịch Hương Giang đã nghiên cứu chế biến cả tháng trời để có một thực đơn tiệc vừa mang tính cung đình Huế vừa là đặc sản xứ Huế. Cũng cá, tôm phá Tam Giang, cũng thanh trà Thủy Xuân, Nguyệt Biều, cũng quýt Hương Cần…, sao bữa tiệc lại sang trọng, đài các và ngon miệng đến vậy ?
Nhiều Festival sau, nhà tôi thành chỗ trọ của các bạn văn chương như các nhà văn Hoàng Đình Quang, Xuân Đài, nhà thơ Hà Nhật (từ Sài Gòn ra), nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý… từ Hà Nội vào . Chỉ cần cái nệm, cái gối và chiếc chăn đơn là ra chỗ ngủ. Sáng nào chúng tôi cũng ăn bát cơm nguội sơ sài rồi “lên đường” đi xem Festival. Ban ngày thì người xe máy, người xe đạp, chúng tôi đi đến tận làng cổ Phước Tích xem “Hương xưa làng cổ”, xuống Cầu Ngói Thanh Toàn xem “Chợ quê ngày hội”, xem các bà các chị xay giã giần sàng, bổ cau, têm trầu, nhớ hình bóng mẹ xưa vô cùng. Rồi về làng hoa giấy Thanh Tiên… nhìn họa sĩ Thân Văn Huy say mê vẽ tranh, say mê nghệ thuật sắp đặt hoa giấy, bỗng thấy đáng sống với đời hơn. Sống với Festival Huế mới hay, làng quê Huế, quê Việt muôn đời biết bao trầm tích văn hóa được khơi dậy đầy sức sống, đầy cảm xúc. Vui nhất là những lần cầm cái máy ảnh chạy bộ theo Đoàn “Ngự Đạo” gồm voi, ngựa đưa “vua” lên ngự Tế Nam Giao. Suốt đường Điện Biên Phủ, dân đứng đông chật đón xem mặt “vua”. Nhiều cụ ông, cụ bà mặc áo dài khăn đóng, thấy voi rước “vua” đi qua thì sụp xuống lạy. Rồi lại trần lưng, toát mồ hôi chạy theo đoàn nghệ thuật Cà Kheo Bỉ trên khắp các đường phố Huế để có được những tấm ảnh đăng báo. Về đêm thì đi xem các chương trình biểu diễn của các Đoàn nghệ thuật. Festival Huế nào cũng có ba bốn chục đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước.
Festival Huế - 2002, biên đạo múa Ea Sola (một người Pháp gốc Việt) đến với Huế qua vở “Khúc cầu nguyện”. Festival Huế 2006 với vở “Ký ức- Hạn hán và cơn mưa 2” diễn trong 3 đêm (7, 8, 10/6) tại sân khấu Đông Điện Thái Hòa. Cả hai lần xem Ea Sola, tôi thấy mọi khán giả nín lặng trong đêm, hồi hộp theo dõi như lần theo chính cuộc đời của mình, của dòng dõi mình, bạn bè mình từ trong cuộc đấu tranh sinh tồn cam go từ quá khứ. Giới trí thức, văn nghệ sĩ Huế thực sự bị chinh phục bởi chiều sâu trí tuệ và sự lay thức nội tâm mạnh mẽ của Khúc cầu nguyện cũng như “Ký ức - Hạn hán và cơn mưa 2”. Họ cho rằng vở diễn của Ea Sola là ấn tượng nhất còn lưu lại được trong tâm khảm người xem sau Festival Huế! “Ký ức - Hạn hạn và Cơn mưa 2” là sự chất vấn, gợi lên cho người trẻ tuổi trên toàn cầu nghĩ và cảm thế nào về những cuộc chiến tranh mà họ không hề biết đến, để họ lên tiếng “nói không với bạo lực”. Và vở diễn đã thành công vang dội ở nhiều nước trên thế giới. Những đêm Huế ấy, xem Ea Sola về, tôi cứ tha thẩn một mình trong khuya bên bờ sông Hương, ngẫm nghĩ hoài về cuộc sống và nghệ thuật. Cám ơn những kỳ Festival Huế đã cho tôi rất nhiều dinh dưỡng tâm hồn, để tôi tiếp tục yêu sống, tiếp tục sáng tạo vì cuộc đời, cho cuộc đời.