Đêm đầu tiên biểu diễn tại Festival Huế 2014, các nghệ sĩ Sri Lanka đã giới thiệu với người dânA Lưới các điệu múa của những chàng trai da nâu khỏe mạnh kết hợp âm nhạc truyền thống thể hiện sự huyền bí trong tín ngưỡng thần linh.
Nghệ thuật múa của Sri Lanka là kết tinh từ tinh hoa của 3 miền đất nước
Khán giả cũng bị cuốn hút bởi tiết mục ngẫu hứng qua tiếng trống tưng bừng đầy ấn tượng cùng điệu nhảy truyền thống Gajaga. Với những chiếc trống cầm tay hình tròn màu sắc rực rỡ có tên là Gabana, các vũ công thể hiện sự khéo léo của mình bằng cách quay tròn những chiếc trống này hoà theo âm thanh, nhịp điệu, kết hợp với màn múa lửa ảo thuật. Điệu nhảy truyền thống Gajaga bắt nguồn từ những tập tính, những hành động đặc trưng của loài voi, âm hưởng của điệu nhảy cũng được hoà theo từng nhịp chân rất khác lạ.
Chị Kê Thị Nhàng, một khán giả đến từ xã A Ngo thổ lộ: “Chương trình nghệ thuật này thật đặc sắc, mới lạ. Festival Huế 2014 đã mang đến cho dân mình cơ hội được khám phá về bản sắc văn hóa đặc trưng của xứ sở Sri Lanka”.
Đêm diễn của đoàn nghệ thuật Sri Lanka được đông đảo đồng bào A Lưới đón nhận
Festival Huế 2014 được tổ chức tại A Lưới là hoạt động để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân sở tại và du khách. Những chương trình nghệ thuật đã kết nối một hình ảnh A Lưới thân thiện và đầy tiềm năng với du khách và với các dân tộc khắp năm châu.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới bảo: “Tin rằng, các hoạt động này sẽ giúp A Lưới thu hút du khách đến với địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là thúc đẩy tiềm năng về dịch vụ du lịch trên địa bàn”.
Sau đêm diễn này, Đoàn nghệ thuật Ranranga - Sri Lanka tiếp tục có các đêm diễn tại Cầu ngói Thanh Toàn, Công viên Tứ Tượng, Điện Cần Chánh – Đại nội Huế… trong suốt thời gian diễn ra Festival Huế 2014.
Nghệ thuật múa của Sri Lanka là kết tinh từ tinh hoa của 3 miền đất nước: Kadian với các điệu nhảy phong phú được biểu diễn trong các sự kiện văn hóa, tôn giáo tại thành phố Kandy; vũ kịch Kolam của vùng Low Country và những điệu múa liên quan đến nghi lễ Gam Maduwa của vùng Sabaragamuwa.
|