Trong lịch sử, các lễ tế Giao và lễ tế Xã tắc đều được các triều đại quân chủ xếp vào hạng nghi lễ cao nhất và xem như quốc lễ. Những năm gần đây, 2 lễ tế này được tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu và phục dựng dựa trên tư liệu lịch sử, dưới dạng các sản phẩm du lịch nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá cho văn hóa truyền thống Việt Nam và văn hóa Huế. Cụ thể, lễ tế Nam Giao được phục hồi trong các kỳ Festival Huế 2004 với trích đoạn việc tái hiện phần Ngự đạo hồi cung; Festival Huế 2006 với cả 3 phần: Ngự đạo xuất cung, lễ tế tại đàn, Ngự đạo hồi cung; Festival Huế 2008 với cả phần lễ và phần hội và Festival Huế 2010 chỉ thực hiện phần rước nhà vua từ Trai Cung lên đàn và phần tế lễ tại đàn Nam Giao. Còn lễ tế Xã tắc được phục hồi từ Festival Huế 2008. TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm BTDTCĐ Huế, nhấn mạnh: Đây là những sản phẩm phi thương mại. Người dân và du khách có nhu cầu xem đều không phải mua vé và phía Ban tổ chức cũng không có hình thức kinh doanh thu lợi nào.

Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều thông tin từ dư luận đã không đồng tình với cách mà Thừa Thiên Huế đang ứng xử với 2 lễ hội vốn đã rất quan trọng trong chế độ quân chủ nhà Nguyễn này. Vì sự quan trọng này nên nhiều ý kiến không đồng tình với cách phục dựng sân khấu hóa của Ban tổ chức. Phục dựng được là điều quý, nhưng người ta muốn thấy rõ sự phân tách giữa phần nghi lễ thiêng liêng - không bị sân khấu hóa và phần hội như một sản phẩm văn hóa riêng có của Thừa Thiên Huế để thu hút khách du lịch. Cũng vì chế độ chính trị đã thay đổi, nên nhiều ý kiến đã rất quan tâm đến vấn đề “chủ thể của những lễ hội này là ai?”…

Liên quan đến nội dung này, TS. Phan Thanh Hải khẳng định: Cho đến nay, những lễ tế này mới chỉ là một lễ hội phục dựng, được tổ chức trên môi trường diễn xướng nguyên thủy của lễ hội cung đình. Tuy nhiên, tính tâm linh cùng ý nghĩa nhân văn của lễ hội được đông đảo cộng đồng nhân dân địa phương bày tỏ và hưởng ứng. Cũng chính ý nghĩa nhân văn này, cùng với sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân nên những người tổ chức cho rằng cần thay đổi cách tổ chức để cả 2 lễ tế này không còn là những lễ hội phục dựng theo kiểu một sản phẩm văn hóa du lịch nữa, mà sẽ thực sự chuyển thành một lễ hội của cộng đồng - một di sản thực sự của cộng đồng do nhân dân làm chủ thể, như tinh thần công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Để làm được việc trên, trước hết phải có sự công nhận chính thức về mặt Nhà nước cho lễ tế Xã tắc và lễ tế Nam Giao, với tư cách là các di sản văn hóa phi vật thể.

Năm 2012 – Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức, với điểm nhấn là Festival Huế. Kỳ Festival này, Trung tâm BTDTCĐ Huế được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức 4 lễ hội, gồm lễ tế Xã tắc, lễ tế Nam Giao, Đêm Hoàng cung và Thiên hạ thái bình; trong đó, lễ tế Xã tắc tổ chức thường niên vào tháng 2 âm lịch, được chọn giờ theo cách người xưa. Năm nay, lễ tế bắt đầu lúc gần nửa đêm, vào giờ Tý, ngày Bính Thìn, tháng Trọng Xuân (giao thời ngày 8 và 9/3/2012), nhằm đêm 16, rạng 17/2 âm lịch. Phương án tổ chức đã được các cấp lãnh đạo thống nhất là chỉ có phần tế tại đàn, không có phần lễ rước. “Lần này, Ban Tổ chức thực hiện tế lễ thực sự và cũng như ý niệm của người xưa, tổ chức một không gian nghi lễ với nghi trượng cờ xí tượng trưng cho sự hội tụ của các thành tố trong vũ trụ, như: mặt trăng, mặt trời, phong, vân, lôi, vũ, long, phụng, nhật, nguyệt; các chòm sao Chu tước, Huyền vũ, Thanh long, Bạch hổ và các lễ tiết trang trọng khác, như: nhạc lễ, múa Bát dật… Đại diện của UBND MTTQVN tỉnh sẽ được lãnh đạo tỉnh giao chủ trì lễ tế. Từ đây sẽ hình thành một cách làm mới và chúng tôi đang nghiên cứu để tổ chức 2 lễ tế này sao cho gần gũi và xác thực, vừa kế thừa được những yếu tố văn hóa truyền thống, vừa mang cả hơi thở của cuộc sống hiện đại”, TS. Phan Thanh Hải nói thêm

Đồng Văn
 

 

Vua quan và đoàn rước trong lễ tế Xã tắc được phục dựng