Mỗi hồ sơ vụ án khép lại, anh cũng xếp lại một câu chuyện buồn. Hiếm hoi, cũng có vụ án kết thúc có hậu, để lại cho anh cảm giác nhẹ nhõm (mà những người trong cuộc không khỏi một phen hú vía vì suýt nữa tự tay vứt đi hạnh phúc gia đình). Như trường hợp ông Th (phường Tây Lộc) đòi ly hôn vợ ở tuổi ngoài sáu mươi. Lý do ông ghi trong đơn là “tính tình không hợp”. Chắc chắn, phía sau lý do rất chung chung này phải có điều gì uẩn khúc khiến cặp vợ chồng đã cùng nhau đi gần hết cuộc đời lại muốn rẽ lối? Trách nhiệm và tình cảm của người làm công tác xét xử “buộc” anh phải lần tìm, khám phá uẩn khúc để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất. 

Bây giờ, nhiều năm đã trôi qua nhưng anh vẫn nhớ mồn một nét mặt đau đớn, căng thẳng của ông Th, khi lần đầu tiên ông tiếp xúc với người của “chốn công đường”. Ông tâm sự: “Tôi là cán bộ công chức nhà nước mới nghỉ hưu mấy năm nay. Trước đây, cuộc sống vợ chồng êm đềm, không có mâu thuẫn gì lớn. Vợ tôi chăm sóc chồng con, gia đình rất chu đáo. Vậy nhưng, khi tôi vừa nghỉ hưu, cần bà ấy bên cạnh để bầu bạn tâm tình thì bà ấy lại thường xuyên đi chùa, “bỏ bê” tôi. Buồn, các buổi chiều tôi đi đánh cầu lông cùng mấy ông bạn già. Cuối buổi, thỉnh thoảng, tôi tạt vào quán bia ven đường uống vài ly. Thành khách quen.
Một lần, “phát sinh” thêm mấy người bạn nên tôi thiếu tiền. Đang bối rối thì cô nhân viên tốt bụng nhanh nhảu: “Bác là khách quen, cháu cho bác mượn tiền. Lúc nào bác ghé, trả lại cháu cũng được”. Hôm sau, tôi đến quán cốt trả lại tiền cho cô nhân viên. Tôi gọi 1 chai, mời cô nhân viên cùng ngồi để nói vài câu cảm ơn trước khi trả lại tiền cho cô. Ai ngờ khi tôi vừa đưa tiền ra trả lại, thì mấy đứa con tôi xuất hiện “bắt quả tang” bố. Chúng dùng những lời lẽ thiếu văn hóa xúc phạm cô nhân viên, khiến cô (và cả tôi) quá bàng hoàng, xấu hổ. Thì ra, vợ tôi lâu nay nghi ngờ, ghen tuông nên ngấm ngầm “chỉ đạo” mấy đứa con theo dõi, rình rập bố. Tôi giận con một thì giận “kẻ chủ mưu” mười. Hành động của bà ấy không những không tin tưởng mà còn xúc phạm, khiến tôi bị tổn thương nặng nề. Không thể chấp nhận được cách hành xử của bà ấy, tôi nhất quyết phải ly hôn”.
Mấy lần hòa giải, ông Th vẫn không chấp nhận mong muốn được tha thứ của vợ. Tuy vậy, với kinh nghiệm của mình, anh chắc rằng, chỉ vì lòng tự trọng bị xúc phạm nên ông Th mới đi đến quyết định “cực chẳng đã” như vậy, rằng có lúc ông sẽ mở lòng, tha thứ cho sai lầm của vợ, con.
Tòa án “cho” ông Th thời gian, cho gia đình đó một cơ hội. Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông Th. Đúng như mong đợi của vợ con ông Th (và cũng là của những người làm công tác xét xử), ông Th không kháng cáo lên cấp phúc thẩm mà lặng lẽ chấp thuận theo quyết định của bản án, trở về đoàn tụ gia đình.
Nhưng không phải người gieo gió ghen tuông vô cớ, quá đà nào cũng may mắn như vợ ông Th. Mới đây, TAND TP Huế vừa giải quyết một vụ án ly hôn tương tự. Vợ chồng đưa nhau ra tòa đều đã trên bảy mươi tuổi và nguyên nhân dẫn đến ly hôn cũng vì...ghen. Tòa án bác yêu cầu ly hôn của nguyên đơn là người chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông chồng tỏ ra căng thẳng, quyết liệt. Trước sau ông vẫn khăng khăng, bị vợ xúc phạm, tình cảm vợ chồng đã không còn, mục đích hôn nhân không đạt được. Trong hạn luật định, ông có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận nguyện vọng của mình. Tất cả những thành viên trong gia đình ấy đang “nín thở” chờ quyết định của cấp phúc thẩm.
 

Thùy Chi