Bửu Ý, Đinh Cường và bạn bè tại Triển lãm tranh Đinh Cường ở Gác Trịnh - Huế 2013. Ảnh: Hạ Nguyên |
Đinh Cường chọn cho tranh mình cái màu xanh phỉ thúy chủ đạo, không rập khuôn, không giống ai trong sáng tạo, tự mình làm nên một vẻ đẹp riêng, đó là bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn. Để có được điều đó, ông tự mình thực hiện một hành trình quyết liệt, không khoan nhượng, đi tìm và lựa chọn cách thể hiện vượt lên những tầm thường. Lựa chọn rời Bình Dương đến Huế học hội họa nhằm tránh những nhàm chán của lối vẽ tạp kỹ miền Nam những năm 1960, là một bước ngoặt lớn của cuộc đời Đinh Cường. Tại đây, ông đã gặp những con người mà sau này là những người bạn chí cốt, là những con người đã tạo nên một thế hệ “vàng ròng” cho văn học nghệ thuật xứ Huế: Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Bửu Chỉ.
Nhóm bạn xưa từ trái sang Đinh Cường, Bửu Ý, Siphani, Trịnh Công Sơn. Ảnh: TL |
Những con người đó, phần lớn sinh ra và lớn lên ở Huế, song rồi theo dòng đời ở chốn này chốn kia, song bao giờ ánh mắt của họ cũng hướng về Huế, về không gian xanh của sông Hương. Họ có nhiều cái giống nhau lạ lùng.
Trong nhiều bút ký, Hoàng Phủ kể trong những năm tao loạn con người không biết sẽ về đâu của những năm 1960, khi mà đêm đêm người ta vẫn ám ảnh bởi tiếng hót của “con chim chiến tranh” (Oiseau de guere). Thưở ấy, “phi lý” là cõi tư tưởng nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Ý. Trong khi “trách nhiệm” là nguyên lý ứng xử của nhà thơ Ngô Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng như ông kể “cả bốn người này luôn luôn gắn bó với nhau trong một không khí gọi là “văn nghệ Huế” (Tuổi đá buồn).
Trong mái tóc những người bạn đó, vẫn thoảng mùi hương từ vòm cây long não trên đường Lê Lợi vọng vang tiếng thơ Ngô Kha trong đêm: “Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng/chung quanh anh phù sa cát đỏ/ anh hỏi thầm về đời mình/ gỗ đá có buồn không?”. Cũng chính mùi hương cỏ cây đó, đã theo Hoàng Phủ Ngọc Tường đến sau này, khi trở lại “Tuyệt tình cốc”: “Tình hoa vẫn ấp ủ giùm tôi trong hương phấn riêng, ôi những năm tháng sống say mê và âm ỉ mộng đầy trời”…
“Để nhớ Huế”, một trong những bức tranh gam màu phỉ thúy của Đinh Cường. Ảnh: Hạ Nguyên |
Hay như cùng với gió, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Tôi ra mở cửa đón người, chỉ nghe tiếng gió ở ngoài hành lang”; thì trong những ca khúc của Trịnh, hình ảnh gió đôi khi là tiếng reo vui “Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng”, đôi khi là bàn tay tự tình “gió sẽ mừng vì tóc em bay”, đôi khi là chênh vênh kiếp người “Gió trời lênh đênh, nhớ con phố hẹn”, nhưng đã có lúc là phương châm sống đầy nhân bản “sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi”. Một câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Ngô Kha cũng đầy gió: “Con đi đã bao năm/ mẹ không rời ngưỡng cửa/ và nay/ gió cũng tang bồng”…
Những người bạn đã gần nhau đến như vậy đó. Ca từ nhạc Trịnh rất gần với những câu thơ siêu thực của Ngô Kha, cũng như nét đẹp guộc gầy của thiếu nữ trong tranh Đinh Cường rất gần cách nhìn người đẹp của Trịnh Công Sơn “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”… Đinh Cường có ảnh hưởng lối vẽ của Modigliani vốn du nhập vào Việt Nam những năm 1950, nhưng Đinh Cường đã Việt hóa với những thiếu nữ vóc dáng mảnh mai, thướt tha. Và cùng với cái “gầy guộc”, “xanh xao” của Trịnh Công Sơn, những cô gái Huế hiện lên đẹp thanh tân và nền nã. Nhà văn Bửu Ý nói: “Người mẹ ở Kim Long và người vợ Huế của Đinh Cường đã giúp Đinh Cường thể hiện hết sức thành công hình ảnh phụ nữ Huế”. Những thiếu nữ rất đẹp trong tranh Đinh Cường chính là thiếu nữ Huế; cũng như những ngọn gió, những hàng cây “đường phượng bay mù không lối vào” của Trịnh Công Sơn; “nhà tôi ở phố Đạm Tiên” của Hoàng Phủ Ngọc Tường; những câu thơ siêu thực của Ngô Kha… không khác được, đó chính là Huế.
Những tên tuổi của thế hệ vàng ấy, với tài năng và một hệ thẩm mỹ hoàn toàn khác biệt, thật sự đã tạc nên một thế hệ vàng cho văn học nghệ thuật xứ Huế.
Đến mùa xuân này, nhóm bạn năm xưa còn lại hai người. Hoàng Phủ Ngọc Tường ở miền Nam và Bửu Ý ở Huế. Nhiều khi tôi về hầu chuyện Bửu Ý, nghe lại những hoài niệm của ông trên căn gác đường Phạm Ngũ Lão vọng rất nhiều những bước chân du khách muôn phương. Những bước chân gõ vào những câu chuyện đầy hoài niệm của ông, những hoài niệm đầy trong mắt ông, nhận ra cũng xanh ngát một màu xanh phỉ thúy…
HỒ ĐĂNG THANH NGỌC