Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, trước tiên người Huế có tục lệ về quê để chạp mộ (làm sạch phần mộ của tổ tiên). Sau chạp mộ là lễ cúng nhà thờ dòng họ. Đây cũng là dịp bà con cùng dòng họ gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Chuyện làm ăn, sinh hoạt của cả năm được đưa ra kể để chia sẻ vui buồn. Có thể nói lễ chạp họ vào dịp cuối năm là “hội nghị tổng kết ” của một dòng họ. Linh thiêng mà đầm ấm…

Sắc màu Thanh Tiên qua phố. Ảnh: D. Quang. 

Sau đó đến chuyện sắp đặt lại nhà cửa riêng của mình. Nét đặc trưng những ngôi nhà Huế là được xây dựng ẩn mình trong khu vườn kín đáo và khiêm nhường, nhưng khi chuẩn bị cho Tết, chủ nhân của nó đã chăm lo cẩn thận, sạch sẽ, thoáng đãng. Với phong tục truyền thống. nhiều loại bánh mứt được chế biến chuẩn bị cho ngày Tết. Những chiếc bánh thuẫn. Các loại mứt Tết cũng được dày công chế biến. Mứt gừng là loại không thể thiếu trong hương vị Tết Huế. Vị ngọt, thơm, cay rất phù hợp với không gian và phong cách cay nồng đáng yêu của người Huế. Tâm tình bên nhau với tách trà nóng cùng dĩa mứt gừng trong ngày Tết se lạnh thì không có gì bằng và có lẽ cũng chỉ riêng của người Huế …

Từ hai mươi ba tháng chạp, Tết đã gần kề. Phố chợ đông đúc nhộn nhịp hơn bất cứ thời gian nào trong năm. Trên gương mặt người mua, kẻ bán tươi vui, hồ hởi, đầy sức sống. Hoa tươi được bày ngập tràn trước công viên Cột cờ Đại nội, trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu… Người Huế dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng sắm cho được một cành mai vừa ý để chưng Tết. Người Huế quan niệm hoa cúc biểu hiện của sự sum vầy, sung túc nên những chậu cúc được sắp đặt trước nhà là không thể thiếu. Nét thanh khiết của các loài hoa cũng truyền sang nét thanh lịch của người ngắm hoa, người mua hoa. Người Huế ăn mặc đẹp để đi chợ hoa và nếu ưng ý thì một vài chậu hoa sẽ theo chủ nhân về nhà có khi trước Tết cả tuần. Người và hoa như có mối truyền cảm, cứ quấn quít bên nhau, cùng nhau vui đón xuân. Có một loại hoa truyền thống đó hoa giấy Thanh Tiên. Những ngày cuối năm bà con của làng tự làm đưa lên phố để bán. Loại hoa này dùng để trang trí bàn thờ, tuy không cầu kỳ nhưng cũng góp phần khoe sắc đủ màu đan xen đẹp mắt trong sắc màu hoa xứ Huế.

Những ngày giáp Tết người Huế không còn thảnh thơi đi chơi mà tập trung chuẩn bị Tết. Đàn ông lo lau chùi, đánh bóng lư đồng, bát hương bàn thờ, phụ nữ sắp đặt trang hoàng nhà cửa, làm bánh mứt… Từ hai mươi tám tháng chạp nhiều nhà gói, nấu bánh tét, thường là nấu từ trưa cho đến khuya, có khi qua đêm. Bên nồi bánh, trên bếp lửa đỏ rực, mọi người râm ran chuyện trò kéo dài thời gian chờ bánh chín. Chuyện xưa, chuyện nay cứ thế được mọi người tranh nhau kể trong tiếng reo của bếp lửa… không khí ấm cúng, quây quần.

Tất niên, ba mươi Tết, ngày cuối cùng của năm, đa số gia đình người Huế có tập tục cúng tất niên chiều ba mươi. Ngoài hoa, quả, bánh không thể thiếu mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà. Các món đặt cúng tuy không nhiều, cầu kỳ nhưng được đơm ra rất nhiều chén, dĩa bày cúng thật trang trọng đẹp mắt. Đây là nét văn hóa cúng lễ của riêng người Huế. Cùng với lễ cúng tất niên, người Huế cũng không quên bày một bàn cỗ để cúng cho những người khuất mày khuất mặt hay cũng còn gọi là cúng cô hồn ở ngoài sân vườn. Có lẽ đây là lễ nghi chỉ có riêng của Huế, thể hiện nét văn hóa tâm linh rất đáng trân trọng. Kể từ chiều 30 trở đi, sau lễ cúng tất niên, trên bàn thờ hương, đèn luôn được thắp sáng suốt ba ngày Tết và hằng ngày đều bày dọn các món ăn để cúng ông bà. Cũng từ thời điểm này, các thành viên trong gia đình ít khi ra khỏi nhà mà quây quần để chẩn bị đón giao thừa .

Giao thừa. Thời khắc thiêng liêng. Chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng. Âm thanh chậm rãi, đều đều nhưng có sức hút kỳ lạ nhắn gọi mọi người hướng về trời tổ tiên, ông bà. Còn nhớ cách đây vài chục năm nhà nào cũng chuẩn bị phong pháo Nam Ô, Bình Đà để đốt vào thời điểm bước sang năm mới, bây giờ thì pháo hoa đã thay cho pháo nổ thúc giục mọi người hướng lên bầu trời để thưởng thức. Không khí trang nghiêm, đầm ấm lan tỏa trong tình cảm mỗi người. Có một tục lệ vào thời điểm này là những người thân tặng nhau bao lì xì. Tiền có thể không nhiều nhưng mọi người đều phấn khởi đón nhận lộc đầu năm để lấy hên. Khi bầu trời lặng im tiếng pháo, hương đã tàn trên mâm cúng mọi người rót rượu để chúc mừng nhau những điều tốt lành, hướng tới nhưng gì tốt đẹp nhất trong một năm mới.

Ngày mồng một Tết, người Huế ít khi xuất hành vào buổi sáng, trừ đi chùa lễ chùa và thăm viếng mộ ông bà tổ tiên. Ba ngày Tết là thời gian nghỉ ngơi, thăm viếng bà con bạn bè. Những nhà buôn bán cũng chọn ngày tốt đầu năm để bán mở hàng, đắt nhất vẫn là các nhà hàng ăn uống. Sau ba ngày Tết sắp kết thúc nhà nào cũng chuẩn bị một mâm thịnh soạn để cúng tiễn ông bà. Lễ nghi trong ba ngày Tết đã xong lúc này mọi người cùng nhau du xuân, chơi tết với những trò chơi cổ truyền ngày xuân…

Tết của người Huế mang nét rất riêng. Bạn có dịp đến đất Cố đô một lần vào dịp này sẽ không bao giờ quên Huế đón Tết, vào Xuân…

 NGUYỄN TÙNG AN