Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết, vượt qua những đoạn đường ngoằn ngoèo uốn mình quanh những dãy núi, vòng qua bao bản làng, chúng tôi đến A Lưới để được cùng đón Tết cổ truyền với bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Cảm nhận đầu tiên là Tết Nguyên đán với đồng bào nay đã khác xưa nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã được cải thiện, cái đói, cái nghèo không còn là nỗi lo của họ.


Đồng bào A Lưới sắm Tết

Từ xa, đã trông thấy bao cô gái người Pa cô, Tà ôi… trong trang phục truyền thống nô nức xuống chợ. Ngày Tết, chợ họp tràn ra cả bên ngoài, trên một con đường nhỏ kéo dài chừng vài trăm mét. Phía trước, các chậu hoa Tết được xếp dài dọc theo tuyến đường với đủ loại hoa rực rỡ sắc màu. Trong chợ hàng hóa phục vụ Tết được bày bán la liệt. Nào là gà, vịt, cá các loại, thịt heo, thịt bò, thịt dê, nếp than, nếp cẩm... Đầu chợ là hàng bánh, kẹo đủ màu, đủ loại, những hộp mứt gừng, mứt bí, mứt thập cẩm được xếp khéo léo trong giấy màu xanh, đỏ. Gần đó là hàng quần áo, giầy dép, chăn màn, vải thổ cẩm đủ kiểu, đủ màu.

Chợ càng lúc càng đông người mua sắm. Có lẽ, đặc sắc nhất ở chợ Tết vùng cao này là những sản vật do chính bà con làm ra. Anh Lê Văn Hải, ở thị trấn A Lưới, đang dốc ngược con heo nhỏ có lông dựng đứng lên xem nói rằng: Đi chợ Tết, mình rất thích thú với những đặc sản chỉ có của núi rừng như thế này.


Các mẹ, các chị trong trang phục truyền thống chuẩn bị cho ngày Tết

Sau phiên chợ Tết, chúng tôi đến xã A Ngo để được hòa vào không khí vui tươi, hồ hởi chuẩn bị đón Tết của đồng bào Tà ôi nơi đây. Càng gần đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trong sân nhà của già làng Quỳnh Hiền, thôn Hợp Thành luôn rộn ràng tiếng cười nói của các nam thanh, nữ tú. Hôm nay, họ tụ tập tại đây để cùng già làng tập luyện các điệu múa, cách gõ chiêng, đánh trống để chuẩn bị tham gia ngày hội của địa phương.

Già Quỳnh Hiền chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến, xuân về đều không thể thiếu các hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào. Âm thanh của cồng chiêng mỗi khi vang lên là lôi cuốn dân làng hòa vào điệu múa”.

Tiếng trống, tiếng cồng chiêng, khèn bè lại rộn ràng vang lên. Những điệu múa, lời ca truyền thống hòa cùng với thanh âm của cồng chiêng vang vọng cả núi rừng. Tiếng reo hò và ánh mắt trên từng khuôn mặt thể hiện niềm vui đón Tết cổ truyền đang tràn ngập trong mỗi người dân nơi đây.

Để chuẩn bị cho ngày Tết, ở mỗi gia đình, các mẹ, các chị đảm đương phần việc giã nếp để gói bánh A Dư. Trong mỗi căn nhà, những lễ vật gồm thịt heo, thịt dê, thịt gà, bánh trái được bày biện trên bàn thờ tươm tất. Tại phòng khách, những bình rượu cần, rượu đoát, các món ăn truyền thống đã dành sẵn để tiếp đãi bà con, bạn bè đến thưởng thức…


Các món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của đồng bào

Nói về không khí đón Tết năm nay, già Quỳnh Hiền phấn khởi “Tết này, đồng bào mình không chỉ vui vì được mùa, mà các chính sách hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tặng quà Tết, cấp gạo, cây, con giống, phân bón, dụng cụ sản xuất, vật dụng gia đình, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào”.

Những ngôi nhà kiên cố, nhà mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát. Ít ai nghĩ rằng, trước đây kinh tế các hộ gia đình rất khó khăn. Giờ đây, không chỉ đơn thuần dựa vào cây ngô, cây lúa trên nương hay những thửa ruộng bạc màu mà người dân trong thôn đã năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với những cây, con giống đem lại nguồn thu nhập ổn định để kiến thiết, xây dựng nhà cửa khang trang. Đặc biệt, trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào đã khắc phục những khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Các hình thức tổ chức sản xuất của địa phương hiện hoạt động khá hiệu quả, đã hình thành một số mô hình trang trại chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao; một số doanh nghiệp phát triển kinh doanh, dịch vụ thu hút nhiều lao động có việc làm ổn định…

Không khí ở A Lưới những ngày này thật nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Đời sống đồng bào đã nâng cao, nên việc chuẩn bị đón Tết cũng được bà con chuẩn bị tươn tất. Đây cũng là dịp mọi nhà tổ chức các nghi lễ truyền thống để tạ ơn tổ tiên và các thần linh đã phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, cho bà con được mùa màng, cuộc sống thêm no ấm. Nét đặc trưng riêng có của vùng đất này hòa cùng mùa xuân đất trời làm cho phong vị Tết thêm đậm đà hương sắc. Đó chính là những tập tục sinh hoạt của đồng bào qua nhiều thế hệ, các làn điệu dân ca cổ truyền, các món ăn dân gian và nguồn văn hóa vật thể vô cùng phong phú, đa dạng.

Đồng bào ở A Lưới đã thật sự có một mùa xuân ấm áp.

Bài, ảnh: Bá Trí