Chưa hết. Ngày mùa lúa gặt về đầy sân nhà ông Tư. Máy thổi lúa chạy xình xịch phun rơm về phía “cụ mai”. Chẳng mấy chốc quanh “cụ mai” là một cây rơm xanh vàng. Cụ chỉ còn trơ lại cái đọt cao cao. Phải non gần tháng, “cụ mai” mới được giải phóng khỏi đống rơm. Lúc đó nom cụ thật tội nghiệp: cành thì gãy, cành thì cong; lá ra màu xanh bạc… Nhưng ông Tư chẳng hề lo lắng: “Ăn thua chi, nước lụt ngâm mấy ngày thì mai vẫn là mai. Mai là một loài cây có cốt cách mà!”. Ông Tư nói không hề sai. Có năm lụt to, nước chấm đến nóc nhà. “Cụ mai” cũng chỉ còn lóp ngóp cái ngọn. Nước rút rồi, có mấy cây cổ thụ không trụ nổi héo khô luôn, nhưng “cụ mai” thì vẫn không hề hấn chi. Lá rụng rồi thì mầm nhú lên vươn tìm sự sống…

Qua cái lụt “ông tha mà bà chẳng tha” hăm ba tháng mười âm lịch, ông Tư bấm đốt ngón tay tính ngày cho “ cụ mai” làm răng để trổ hoa đúng tết! rồi ông Tư bắc thang trẩy lá. Có mấy cành cao ông phải nhờ đến mấy đứa con nít trẩy giùm. Sau khi trẩy xong lá, ông Tư phát cho mỗi đứa mấy cái kẹo và không quên dặn: “Mấy đứa con từ ni đến tết không được trèo lên cây mai bắt chuồn chuồn, bươm bướm nữa nghe chưa! Đứa mô không nghe tau khẻ cho què giò!”.

Mai hé nụ là Tết đang về. Ông Tư cũng gác lại chuyện đồng áng để sửa soạn đón Tết. Đánh bóng lại bộ lư đèn thờ, chẻ lạt để gói bánh tét… Đó là những công việc của đàn ông trong nhà. Ông Tư cứ tỉ mẩn với từng việc nhỏ như thế bên chiếc bàn nhỏ trước hiên. Vừa thong thả từng việc, ông vừa nhấp trà thư thả ngắm mai. Sáng hai mươi chín tết, cội mai đã lấm tấm sắc vàng.Ông Tư thắp ba cây hương khấn vái câu chi đó cắm xuống gốc mai, sau đó ông bắt đầu cưa mấy cành mai. Cành đẹp nhất ông mang vào nhà, những cành mai còn lại ông tặng bạn bè, hàng xóm… Một điều tối kỵ theo lời ông Tư là: “Không được cưa cành chủ của cây mai…”. Năm mô cũng rứa, “cụ mai” cứ bền bỉ, nhẫn nại qua mưa nắng, gió bụi dung dưỡng những mạch sống ngầm đằng sau lớp vỏ cây bạc thếch để xuân về là khai mở hoa vàng. Nhìn những cành mai rời khỏi mẹ cây, run run từng nụ hoa vừa hé trong hơi ấm tay người ngày cuối năm tôi cứ miên man ý nghĩ về một cuộc sinh nở nhọc nhằn của người mẹ để những đứa con chào đời thắp sáng mùa sang…

2. Nhà chị ở làng Lại Thế. Đó là một ngôi làng cổ ven thành Huế với rất nhiều kiến trúc nhà vườn đặc trưng của một Huế xưa. Là những hàng chè tàu thẳng tắp dẫn đến từng ngôi nhà. Những vườn cây sum suê quanh năm hoa trái. Trước mỗi ngôi nhà, chủ nhân đều không quên trồng một đến nhiều cây mai. Chị nói: “Làng chị được gọi là làng làm quan bởi quan lại triều Nguyễn có nhiều người chọn cuộc đất ở đây để lập vườn, dựng nhà. Cái nếp sống lễ nghĩa, thanh cao còn lưu giữ trong mỗi ngôi nhà cũ cho dù chủ nhân của nó bây chừ có khi chỉ là những người lao động bình dân…”.

Cây mai trước hiên nhà chị đã sống qua một thế kỷ và là kỷ niệm đong đầy của một mối tình vợ chồng. Dưới gốc cây mai già là một chiếc bàn đá nhẵn bóng. Chị kể rằng: “ Lúc còn sống, những đêm xuân trời trong gió ấm, ba chị vẫn ngồi dưới gốc mai để độc ẩm, thưởng hoa và đề thơ. Ba mất rồi.Tết đến, mạ chị vẫn ra ngồi ở chiếc bàn đá để rót rượu để tưởng nhớ ba. Những lúc đó chị ngỡ như ba về trên màu ấm hoàng mai để tâm tình cùng mạ…”.

 Mối tình lãng mạn mà tròn đầy thủy chung son sắt của ba mạ đã là cảm hứng để chị viết nên một bài thơ rất hay về hoa mai: “Gốc mai trăm tuổi chưa già - Hoa nở, rụng tràn ly rượu đắng - Nỗi buồn Ba, chìm sâu vào trăng lặn… Xuân đến – M ẹ- cơn mê - hoa và rượu - Bàn đá cô đơn - Ly rượu trống không - Ly rượu trống - Nỗi buồn đầy ắp - Thảm vàng hoa vắng kẻ đề thơ - Đêm trừ tịch, hương hoa tràn nỗi nhớ - Thương Mẹ, Ba về trên tấm thảm vàng hoa” (thơ Thúy Nga).

Tôi vẫn thường ghé thăm mảnh vườn quen thương đó mấy độ xuân trước. Mỗi lần như thế chị vẫn đọc bài thơ này bên chén trà đầu năm. Đứng bên chiếc bàn đá rơi rụng đầy vàng hoa mà cứ vấn vương câu chuyện tình yêu lãng mạn vô cùng của người đã khuất. Tiếc rằng, mảnh vườn xưa của chị không còn giữ được trong cơn lốc đô thị hóa. Chị cũng đã dọn đến ở một ngôi nhà khác sau khi khu vườn cũ đã bán đi.Những lần tôi qua xóm cũ, chân thì muốn ghé lại cõi vườn xưa nhưng lòng không dám. Sợ rằng nhỡ cây mai ngày trước không còn, bàn đá cũng đã bị phá đi thì buồn biết mấy. Thôi thì “ lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” (thơ Huy Cận) rằng vẫn còn đó “hương hoa tràn nỗi nhớ’ và “tấm thảm vàng hoa” đẹp lung linh một mối tình tri kỷ bên cội mai già mỗi độ xuân về cho dù bóng người xưa chừ đã hóa hư không…

Phi Tân