Một nhà máy lọc dầu ở phía nam thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: AP

Đó là nhận định của Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Nga-Iran thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga Viktor Melnikov được trích dẫn trên tờ Sputniknews sáng nay (10/2).

“Đối với mối quan hệ Nga-châu Âu, Tehran có khả năng sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Moscow trên thị trường dầu, bởi chi phí sản xuất dầu của nước này thấp hơn đến 2-2,5 lần so với chi phí sản xuất dầu của Moscow”, ông Viktor Melnikov cho biết.

Cũng theo ông Melnikov, Iran đã đạt được thỏa thuận về việc vận chuyển và phân phối dầu sang các quốc gia châu Âu.

Vào ngày 16/1, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận sự tuân thủ đầy đủ của Tehran đối với các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân được ký kết hồi tháng 7/2015, mở đường cho sự trở lại đầy tiềm năng của Iran trong thị trường năng lượng toàn cầu.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nói rằng, Tehran vẫn có thể xuất khẩu dầu ngay cả khi giá mặt hàng này giảm xuống dưới 30 USD cho mỗi thùng, sau khi nước này tái xuất hiện trên thị trường dầu thế giới. Bộ trưởng Bijan Zanganeh cho hay, sản lượng dầu hàng ngày ở Iran có khả năng đạt 1 triệu thùng trong vòng một vài tháng sau khi lệnh trừng phạt tài chính và thương mại được chính thức dỡ bỏ.

Trong một phát biểu liên quan, ông Bijan Zanganeh nói thêm: “Chúng tôi dự kiến thu hút được 25 tỷ USD đầu tư nước ngoài thông qua các hợp đồng dầu khí mới, đó sẽ là một sự thành công lớn”.

Các hợp đồng mới sẽ được Iran giới thiệu vào cuối tháng 2 sắp tới tại thủ đô London, Anh. Trong đó, Tehran sẽ cho phép các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào quá trình sản xuất, chứ không chỉ dừng lại ở khâu thăm dò.

Được biết, Iran là nước sản xuất khí đốt lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga. Ông Bijan Zaganeh cũng khẳng định quyết tâm của Iran trong việc trở thành một trung tâm sản xuất khí đốt của khu vực và đẩy mạnh xuất khẩu sang các những khu vực khác trên thế giới.

Lê Thảo (lược dịch từ Sputniknews & PressTV)