Theo quan niệm của người dân đi chợ Gia Lạc đầu năm để cầu may mắn, đồng thời cũng là dịp để biết thêm những nét phong tục của xứ Huế.

Mấy chục năm bà Song đều dậy sớm bán cau trầu ở chợ Gia Lạc

Chợ này do con thứ tư của vua Gia Long là Nguyễn Phước Bình thành lập dưới triều vua Minh Mạng năm 1826. Lúc đầu chợ chỉ dành để họp nhóm trong phủ của ông. Sau này, người dân quanh vùng cũng đến mua bán, thêm vào các trò chơi dân gian để thu hút mọi người và không khí trở nên náo nhiệt hơn. Từ đó, chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ phiên vui xuân trong những ngày đầu năm mới.

Được biết, chợ Gia Lạc chỉ họp vào ban ngày bởi vì ngoài mua bán trao đổi, chợ còn tổ chức ăn uống, chơi trò chơi dân gian như: bài chòi, hát đối đáp…

Trong ba ngày Tết thì ngày nào cũng đông người mua kẻ bán, những người ở thành phố cũng tìm về để hòa vào chợ phiên, khách du lịch rất thích thú muốn tìm hiểu về chợ phiên độc đáo này.

Ngoài cau trầu thì rau củ cũng được bày bán

Hàng hóa  phong phú, phù hợp để dùng Tết. Đặc biệt, người Huế có tập tục mua trầu cau để mong năm mới ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn. Những quả cau ở làng Nam Phổ nổi tiếng tại Huế, ngọn trầu xanh mướt, có hương thơm. Ngoài ra còn có món bánh đúc xanh chấm với mật được nhiều người ưa chuộng.

“Cau trầu được mua cùng với muối và đường để cầu tài lộc đầu năm, nhiều người họ ở xa đến tận chợ Gia Lạc này mua cho bằng được. Năm nay mỗi quả cau, ngọn trầu rẻ hơn năm ngoái, chỉ có giá 10.000 đồng. Ba ngày Tết năm ngoái tui bán được 3 triệu đồng”, bà Trần Song (69 tuổi), bà bán cau trầu gần 40 năm ở chợ Gia Lạc này.

Điều mà chúng tôi ấn tượng là không khí mua bán ở chợ phiên Gia Lạc là không khí người mua kẻ bán hết sức lịch sự, từ tốn, vui vẻ,... “Đầu năm đi chợ Gia Lạc để mua trầu cau, mong sang năm mới tài lộc. Đây là lần thứ 3 mình đi chợ này, người bán vui tính nên thoải mái cho những người mua hàng như mình”, chị Nguyễn Viết Anh Thư (đường Trần Phú) cho biết.

Trải qua nhiều biến động với thời gian, chợ phiên Gia Lạc đã có nhiều thay đổi từ hàng hóa đến các trò chơi dân gian ít dần đi. Tuy nhiên, chợ được mở bán vào những ngày đầu xuân đủ để thấy được nét riêng của văn hóa Huế và phong tục mua lộc đầu năm mới vẫn không bị mai một.

 Cao Nguyễn Xuân Đạt