Đúng lúc nông dân sắp hoàn thành việc gieo cấy lúa đông xuân, cũng là lúc thời tiết mưa rét đột ngột xảy ra. Hàng ngàn ha lúa vừa gieo cấy ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền… bị ngập úng, hàng trăm ha bị thiệt hại hoàn toàn phải gieo cấy lại. Điều đáng mừng, những ngày trước, trong và sau Tết gặp thời tiết khá thuận lợi, nắng ấm, nhiều diện tích đấu úng kịp thời nên lúa phát triển tương đối tốt. Đây là điều khác với nhiều vụ đông xuân trước, gặp mưa rét kéo dài, ngập úng khiến nông dân và các hợp tác xã hao tốn chi phí đấu úng, gieo cấy dặm, bón phân.


Chăm sóc rau màu sau Tết

Những ngày sau Tết, thời tiết nắng ấm là điều kiện thuận lợi để bón phân cho lúa nên bà con đồng loạt ra đồng, bón phân kích thích lúa phát triển. Chị Phan Thị Ni ở xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) hồ hởi: “Đầu vụ lúa đông xuân khá thuận lợi, lúa phát triển tốt. Nhưng người dân chúng tôi vẫn không chủ quan, từ ngày mùng 4 Tết đã xuống đồng chăm sóc lúa, bón phân, tỉa dặm để lúa phát triển đồng đều. Ngoài việc chăm sóc lúa phát triển tốt, bà con chọn ngày mùng 4 Tết để xuống đồng là phù hợp, có ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”.

Điều người dân lo nhất là năm vừa qua không có mưa lũ, thời tiết phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh, chuột gây hại. Vậy nên, những ngày Tết, bà con không quên việc chăm lo đồng áng, bẫy chuột và quan sát có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh để triển khai các biện pháp phòng chống. Anh Trần Thanh Vinh ở xã Quảng Công (Quảng Điền) nói: “Năm nay chuột khá nhiều, sâu bệnh cũng đã có dấu hiệu xuất hiện trên diện rộng, nhất là đạo ôn, vàng lá… nên ngay sau Tết, người dân triển khai phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bón phân kích thích lúa phát triển”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-Cái Văn Thám cho biết, những ngày sau Tết, cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại, phổ biến nhất là đạo ôn trên các giống lúa Xi23, Xi21… ở các đồng ruộng bạc màu, kém phù sa. Các loại sâu bọ trĩ, chuột gây hại cục bộ, tỷ lệ từ trên dưới 10%... Cán bộ bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền địa phương, tập trung hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh, tích cực diệt chuột. Khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật, trong điều kiện nhiệt độ thấp như hiện nay, người dân cần giữ nước đầy đủ trong đồng ruộng nhằm giữ ấm, kích thích lúa phát triển tốt. Các địa phương và nông dân cần chủ động gia cố đê bao, nạo vét kênh mương, ao hồ để chuẩn bị ứng phó nắng hạn có khả năng xảy ra.

Cùng với lúa, những ngày này, người dân xuống đồng chăm sóc các loại cây trồng, hoa màu. Chị Trần Thị Hiếu ở xã Quảng Công chia sẻ: “Ngoài trồng lúa, gia đình tôi nhờ trồng khoai, hoa màu để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hơn hai sào khoai, mỗi vụ tôi thu lãi cả chục triệu đồng. Dù vui xuân, đón Tết, vợ chồng tôi không quên nhiệm vụ quan trọng là chăm sóc lúa, khoai lang, hoa màu”.

Theo ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhiều loại sâu bệnh xuất hiện, có khả năng phát tán nhanh gây hại trên cây ăn quả. Chi cục cử cán bộ phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ.

Bài, ảnh: Hoàng Triều