Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị Cấp cao kinh doanh và đầu tư ASEAN tại Kuala Lumpur. Ảnh: AFP |
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần đầu tiên được tổ chức ở Sunnylands, California từ ngày 15-16/2, tờ Channel NewsAsia thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với bà Nina Hachigian, Đại sứ Mỹ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo bà Hachigian, Washington đang đầu tư vào khối 10 quốc gia thành viên bởi đó chính là lợi ích quốc gia của Mỹ.
“Chúng tôi đang ở đây và sẽ tiếp tục tập trung vào khu vực Đông Nam Á dù cho ai là Tổng thống tiếp theo. Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất tại ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của chúng tôi. Lao động ASEAN chiếm một nửa triệu việc làm tại Mỹ và có đến hàng triệu việc làm trong các công ty của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á”, Đại sứ nhấn mạnh.
Sự kiện chính trị chưa từng có
Năm nay sẽ là năm cuối cùng của ông Obama tại Nhà Trắng sau hai nhiệm kỳ làm Tổng thống. Trong suốt thời gian của mình tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã đưa mối quan hệ Mỹ-ASEAN lên một tầm cao mới.
Trong tháng 11, ông Obama đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Malaysia. Khoảng 4 tháng sau đó, họ có dịp gặp lại nhau ở Sunnylands, trong một sự kiện chính trị chưa từng có được Washington tổ chức cho các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.
Bàn cờ đầy tính cạnh tranh của các cường quốc
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra ở Kuala Lumpur, quan hệ Mỹ-ASEAN được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Cuối tháng này, lãnh đạo hai bên dự kiến sẽ thảo luận thêm về cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác này khi họ gặp nhau tại California.
Theo các nhà phân tích chính trị, trong số các vấn đề khác cần được thảo luận, vấn đề quan trọng hơn cả là an ninh hàng hải đang tập trung sự chú ý của các thành viên ASEAN liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. Washington có những lo ngại về sự căng thẳng này và kêu gọi duy trì tự do hàng hải trên các tuyến đường quan trọng.
“Đó là lý do tại sao các nước ASEAN cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường quyền tự chủ trong khu vực, nhằm đảm bảo rằng khu vực Đông Nam Á sẽ không thể được sử dụng như một bàn cờ để các nước lớn tranh giành ảnh hưởng. Đó là lý do tại sao ASEAN cần thúc đẩy quan hệ với tất cả các cường quốc ở mức ngang bằng nhau, bởi vì chúng tôi tin rằng sự sống còn của chúng tôi cũng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc khác, cũng như để đảm bảo rằng các cường quốc không có cơ hội khai thác điểm yếu cho riêng mình. Chúng tôi tập trung vào ASEAN vì lợi ích riêng của mình. Đây là một khu vực với hơn 600 triệu người. Chúng tôi đầu tư vào đây nhiều hơn chúng tôi đã làm ở Trung Quốc. Chúng tôi có rất nhiều cổ phần trong khu vực này”, bà Hachigian nói thêm.
Theo Đại sứ Hachigian, Mỹ muốn giúp ASEAN xây dựng sự đổi mới và tinh thần kinh doanh, trong bối cảnh ASEAN bày tỏ mong muốn trở thành “một khu vực cạnh tranh, năng động và sáng tạo hơn”.
“Đổi mới và tinh thần kinh doanh là thế mạnh đặc thù của nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, bạn có thể thấy rằng các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã nói rất nhiều về điều này. Chúng tôi có thể chia sẻ những bài học, kinh nghiệm, những sai lầm mà chúng tôi đã trải qua, cũng như những thành công mà chúng tôi đã có ở Mỹ, bởi đây ASEAN là một khu vực đầy triển vọng”.
Lê Thảo (lược dịch từ CNA)