Tăng tốc

Khu công nghiệp La Sơn nằm trên địa bàn xã Lộc Sơn (Phú Lộc) những ngày đầu năm khá sôi động. Bên cạnh các nhà máy sản xuất xỉ titan, men Frít, viên nén năng lượng và dầu FOR đang hoạt động hiệu quả, năm 2016 KCN tiếp tục đón nhận thêm nhiều dự án mới, tạo bứt phá cho KCN trẻ này.

Nhà máy sản xuất men Frít của Công ty Vitto đang mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ Frít của thị trường các tỉnh

Chúng tôi có mặt ở nhà máy chế biến dăm gỗ của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế tại KCN La Sơn đúng lúc DN đang bốc xếp hàng cho 2 tàu dăm gỗ trọng lượng 80 ngàn tấn sang Trung Quốc và Singapore theo đơn đặt hàng đầu năm 2016. Khuôn viên nhà máy có diện tích 58.000 m2 trở nên chật chội bởi khối lượng hàng hóa, xe vận chuyển nối đuôi nhau bốc xếp hàng. Với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, dây chuyền chế biến dăm gỗ của DN có công suất 800 tấn/ngày, tiêu thụ một lượng lớn gỗ rừng trồng của người dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2015, DN xuất khẩu 180 ngàn tấn dăm gỗ và kế hoạch 2016 sẽ tăng thêm khoảng 30%.

Ông Hà Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế cho biết: “Hiện DN đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số nước như Đan Mạch, Nauy, Nhật Bản và Hàn Quốc, nằm trong kế hoạch đầu tư các nhà máy sản xuất tại KCN La Sơn. Nhà máy có công suất 280 ngàn tấn viên nén/năm, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối quý I/2016; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cầu cảng số 3 - Cảng Chân Mây đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu cho nhà máy các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu”.

Tại KCN Phú Bài, những ngày này nhà máy sản xuất lon nhôm hai mảnh và nắp lon của Công ty TNHH Baosteel Can Making (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD đang gấp rút thi công để kịp hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 4/2016. Dự án này được xây dựng trên diện tích 5,6 ha, sản phẩm chính là sản xuất lon nhôm 2 mảnh được sử dụng trong ngành công nghiệp giải khát với công suất 700 triệu lon/năm. “Đến tháng 1/2016, tổng số vốn DN đầu tư thực hiện dự án đạt 60 triệu USD, chiếm trên 70% tổng số vốn đăng ký nên chúng tôi tin tưởng nhà máy sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra”, Tổng Giám đốc Công ty Baosteel Can Making- ông Zhu Weilai cho biết.

Giám đốc Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, ông Lê Văn Thu cho rằng: “Chủ trương của UBND tỉnh trong năm 2016 là không triển khai công tác xúc tiến đầu tư theo hình thức tổ chức các hội nghị xúc tiến tại các tỉnh, TP trong và ngoài nước như các năm trước, mà tăng cường kết nối, mời đối tác đến nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội đầu tư trực tiếp tại các KCN nhằm mang lại hiệu quả cao và gia tăng giá trị đầu tư vào các KCN tiềm lực. Bởi, thông qua các chuyến tham quan và tìm hiểu hạ tầng các KCN, nhiều nhà đầu tư nhanh chóng xúc tiến đầu tư và triển khai dự án”.

Thực hiện mục tiêu 3.300 tỷ

Tính đến tháng 1/2016, các KCN tỉnh có 99 dự án đầu tư, trong đó có 75 dự án trong nước và 24 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 23.500 tỷ đồng, vốn thực hiện của các dự án đạt 9.300 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư trong năm 2015 đạt 2.000 tỷ đồng.

Những ngày đầu năm 2016, Ban quản lý các KCN tỉnh liên tục tiếp đón các nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại các KCN. Tập đoàn Kolon Industries, một trong những tập đoàn dệt may hàng đầu của Hàn Quốc đã đến KCN Phong Điền để tìm hiểu về quy mô, hạ tầng ở đây để có kế hoạch đầu tư dự án sản xuất các loại sợi nhân tạo chất lượng cao Aramid, với quy mô 500 triệu USD; đồng thời xây dựng chuỗi nhà máy sản xuất hàng phụ trợ dệt may trong nước, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên phụ liệu cho các DN khu vực Bắc miền Trung. Phó Chủ tịch tập đoàn, ông Han Yug Parh đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của các KCN tỉnh và khẳng định khả năng hợp tác giữa hai bên rất cao, đồng thời mong muốn sớm hoàn tất các thủ tục để xúc tiến đầu tư dự án tại KCN Phong Điền.

Trong năm 2016, nhiều dự án được cấp phép bắt đầu triển khai xây dựng. Tại KCN Phong Điền, nhà máy sản xuất men Frít của Công ty TNHH An Viên có vốn đầu tư 85 tỷ đồng sẽ khởi động vào quý II; KCN La Sơn tiếp tục khởi động các dự án đầu tư quy mô lớn, đó là nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH MTV Linh Ngọc với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, nhà máy sản xuất gạch ốp lát công suất 12 triệu m2/năm với mức đầu tư 560 tỷ đồng của Công ty TNHH Vitto. Tại KCN Phú Đa, Nhà máy may 4 với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng của Công ty CP Dệt may Huế, nhà máy may Sơn Hà của Công ty TNHH Sơn Hà Huế với kinh phí đầu tư 150 tỷ đồng cũng triển khai trong năm 2016, tạo ra chuỗi sản xuất hàng dệt may xuất khẩu quy mô lớn tại đây, nhằm thúc đẩy các dự án sản xuất hàng phụ trợ tại các KCN tỉnh. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu thực địa và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KCN Phong Điền, đó là nhà máy sản xuất hàng dệt may, dệt nhuộm của tập đoàn sản xuất hàng dệt may của Mỹ có tổng vốn 200 triệu USD và dự án sản xuất hàng dệt nhuộm có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của một DN Đài Loan.

Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh, ông Phan Văn Xuân khẳng định: “Để thực hiện mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư vào các KCN đạt từ 3.000- 3.300 tỷ đồng trong năm 2016, ban đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng tại các KCN như đường giao thông, điện, nước, trạm xử lý nước thải, điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư hạ tầng như Vitto, Viglacera, Hello, C&N Vina triển khai các dự án xây dựng hạ tầng các KCN Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn”.

Bài, ảnh: Thanh Hương