Công nhân Công ty TNHH MSV trong giờ làm việc

 

Tuyển dụng lao động ở ngành dệt may tăng

Nhằm góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Dệt may của miền Trung, nhiều doanh nghiệp may trong tỉnh đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tuyển dụng nhiều lao động. Đáng chú ý, Công ty Scavi Huế sau khi xây dựng xong nhà máy thứ 2 đã tuyển thêm 933 lao động, tiếp đến là Công ty Hanesbrand Việt Nam - chi nhánh Huế (gọi tắt HBI) tuyển 576 lao động. Các công ty dệt may khác như An Thiên Phát, MSV, Phú Hòa An tuyển dụng từ 200 lao động trở lên. Với mức lương bình quân hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, cùng với sự quan tâm về các chế độ chính sách như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… một lượng lớn lao động trẻ, nhất là lao động ở các vùng nông thôn đã không chọn con đường vào Nam tìm việc như dự tính. Chị Mai Liên, công nhân Công ty HBI cho biết: “Trước đây, tôi định vào Nam tìm việc, nhưng nhờ gia đình giữ lại rồi xin việc tại Công ty HBI, hiện lương cơ bản của tôi mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Nếu chịu khó làm thêm sẽ được tính theo sản phẩm. Trong khi đó, nếu ở xa nhà tôi phải chịu những chi phí khác như tiền thuê nhà, chi tiêu đắt đỏ… tính ra cũng ngang nhau. Cái lợi hơn là tôi được ở gần gia đình”. Hiện nay, bắt đầu có sự cạnh tranh thị trường lao động trong tỉnh nên người lao động có cơ hội chọn lựa công việc phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên, không có tình trạng tranh chấp lao động; đình công không xảy ra.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015” do UBND tỉnh phê duyệt, các cấp, các ngành đã tham mưu thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, công tác giải quyết việc làm của tỉnh năm 2015 vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, năm qua, Thừa Thiên Huế giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động, đạt trên 101% kế hoạch đề ra. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương tổ chức 32 phiên giao dịch tại sàn giao dịch và các địa phương Nam Đông, Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền, Trường đại học Kinh tế giải quyết mới cho 2.659 lao động; xuất khẩu được 159 lao động; thông qua phát triển của các doanh nghiệp tuyển dụng 9.830 lao động; các hoạt động cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm giải quyết được 1.692 lao động. Số còn lại làm việc thông qua tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa và hoạt động kinh tế trong lĩnh vực phi kết cấu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng hoặc giải thể làm cho hơn 2.000 công nhân lao động mất việc.

Đào tạo công nhân lành nghề

Đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả là hướng phát triển nhanh, bền vững bên cạnh việc đưa ra nhiều chính sách, cơ chế hợp lý để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Thừa Thiên Huế. Song, tại tỉnh đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu, đội ngũ công nhân lành nghề, cán bộ quản lý các vị trí cao chưa đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng. Thời gian qua, nhờ một số doanh nghiệp hoạt động ổn định nên thu hút được lực lượng lao động trẻ có đủ kinh nghiệm từ các thành phố lớn trở về quê làm việc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hệ thống đào tạo nghề từ cơ sở đến các trường trung cấp, cao đẳng công lập cũng như ngoài công lập hàng năm đào tạo hơn 16 ngàn học viên cơ bản đã đáp ứng đủ lực lượng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Có được kết quả này là nhờ cách đổi mới trong đào tạo. Hầu hết các trường chuyển hướng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp chứ không chỉ đào tạo các ngành nghề hiện có của trường. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo với trường sau tuyển dụng, như Công ty HBI hợp đồng với Trường trung cấp Nghề Quảng Điền hàng năm đào tạo công nhân các nghề điện, xây dựng, hàn… phù hợp với nhu cầu thực tế từng bộ phận của công ty. Công ty Scavi dự kiến sau khi mở rộng nhà máy thứ 3 trong năm 2016 sẽ tuyển thêm khoảng 1.000 công nhân và sẽ phối hợp với Trường trung cấp Nghề Âu Lạc đưa số công nhân mới tuyển vào đào tạo. Ông Trần Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Scavi cho biết: “Ngoài việc đầu tư toàn bộ máy móc phục vụ công tác đào tạo, chúng tôi sẽ đưa cán bộ có tay nghề cao của công ty trực tiếp hướng dẫn học viên trong thời gian đào tạo”.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội khẳng định: “Hàng năm có từ 85% đến 90% học viên các trường nghề có việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo nghề vẫn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là do các bậc phụ huynh luôn hướng con em vào các trường đại học”. Ông Quang khẳng định, nhiều học viên của các trường dạy nghề có mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng mỗi tháng ngay thời gian đầu tiên mới đi làm như các học viên ngành điện ở Trường trung cấp Nghề Quảng Điền. Thực tế thì các trường nghề chưa phải là đích cuối của mỗi người, nếu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông không có khả năng hay thực lực để thi vào các trường đại học thì sau khi học nghề có thể học liên thông để nâng cao trình độ. Ảo tưởng về việc có cho được bằng đại học đã khiến nhiều người tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ rồi nhưng vẫn không tìm được việc, cuối cùng phải làm công nhân ở các công ty may mặc. Buồn là họ không dám ghi bằng cấp vào hồ sơ vì sợ ảnh hưởng đến vấn đề tiền lương.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới cơ bản về công tác quản lý dạy nghề để tạo động lực phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động hiện nay. Dự kiến năm 2016, tỉnh phấn đấu tối thiểu phải giữ chỉ tiêu giải quyết được việc làm mới cho 16.000 lao động.

Bài, ảnh: Hương Lan