Lợi đủ đường

Đó là cách mà ông Huỳnh Sinh (Trưởng thôn 1A, xã Thủy Phù) bao quát về hiệu quả của CĐML mà gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong thôn đang tham gia.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy, Thủy Phù hiện là một trong những địa phương triển khai tốt mô hình CĐML theo tiêu chí mới (20 ha trở lên). Riêng thôn 1A, có khoảng 60 ha đất lúa thì đã có 12 ha tham gia CĐML của Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Thủy Phù sau 3 năm mô hình này được áp dụng trên đồng ruộng thị xã.

Ông Huỳnh Sinh cho biết, khi tuyên truyền chủ trương này, bà con có phần băn khoăn, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì ai cũng nhận rõ hiệu quả ngoài mong đợi. Tham gia CĐML, bà con được nhiều cái lợi. Cùng ruộng, cùng giống và cùng thời điểm thu hoạch nên năng suất đạt đều, chất lượng đảm bảo và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đưa cơ giới vào đồng ruộng cũng như thu hoạch hàng loạt nên người dân rút ngắn được thời gian làm đất, thu hoạch. Các bờ thửa được xóa, không còn nơi trú ẩn cho mầm mống sâu bệnh nên giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật. Không có bờ thửa, việc tưới hay tiêu úng đều thuận tiện.

Cánh đồng mẫu lớn ở Thủy Thanh
Ông Dương Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Thủy, cho biết: Trong mô hình CĐML hiện nay, sự vào cuộc của các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Kinh nghiệm từ những địa phương làm tốt cho thấy, người đứng đầu các HTX có vai trò rất quan trọng, lợi ít hay nhiều cũng do cách mà các HTX áp dụng, triển khai, từ họp dân, hỗ trợ cho dân đến việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và chống tư tưởng ưa chi làm nấy trong dân. Khi người dân đồng lòng, quyết tâm làm thì việc “3 cùng” trong CĐML trở nên đơn giản hơn nhiều.

Ở Thủy Phù, để khuyến khích bà con nông dân tích cực tham gia chủ trương này, HTX nông nghiệp có chính sách hỗ trợ mỗi hộ 160 ngàn đồng và 4kg lúa để xóa bờ thửa. Hiệu quả kinh tế thấy rõ nên người dân rất thuận với chủ trương này. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích CĐML không phải muốn là làm nhanh được, mà cần phải có thời gian. Ông Huỳnh Sinh nói: “Rào cản lớn nhất chính là chân ruộng của các ô có sự chênh lệch cao, nếu gom lại và xóa bờ với diện tích lớn thì nước chỉ dồn về chỗ thấp. Khắc phục điểm khó này, chỉ có cách là đưa máy cày vào đánh ruộng nhiều mùa, từ từ rút dần độ chênh giữa các khu vực mới được”.

Trong năm tới, HTX nông nghiệp Thủy Phù có kế hoạch thực hiện CĐML đối với giống lúa chất lượng ở vị trí bên bờ sông Đại Giang. Theo quy hoạch, thôn 1A có khoảng 10 ha tham gia. Ông Huỳnh Sinh phấn khởi: “Người dân rất thích theo CĐML sản xuất giống lúa chất lượng. Ngoài những tiện lợi về ruộng, về giống… đến ngày thu hoạch bà con cũng đỡ được công đem lúa về nhà phơi. Sản xuất giống, thóc được bao nhiêu HTX thu mua hết ngay tại đồng, trừ mọi chi phí, giá thu mua vẫn cao hơn thóc thịt”.

Cần vai trò đầu tàu của HTX

Năm 2013 đến nay, từ 2 vùng lúa làm điểm mô hình CĐML với khoảng 50 ha, đến nay Hương Thủy đã mở rộng ra đất lúa toàn thị xã (trừ xã Thủy Vân), với tổng diện tích 600 ha. Năng suất bình quân đạt từ 64 - 65 tạ/ha, lợi nhuận tăng thêm 15 - 20% so với sản xuất bình thường. Riêng đối với vụ hè - thu, do đặc thù thời vụ, mô hình CĐML được thực hiện tại HTXNN Thủy Thanh 2 với diện tích 43 ha. Kết quả năng suất đạt được 56 - 58 tạ/ha, giá trị sản xuất cao hơn 1,5 - 2 lần so sản xuất bình thường. Từ hiệu quả của mô hình này, Hương Thủy phấn đấu mở rộng CĐML theo tiêu chí mới khoảng 800 - 1.000 ha/năm.

Theo ông Đặng Văn Mãnh, Trưởng trạm Khuyến nông - lâm - ngư thị xã Hương Thủy, thực hiện mô hình CĐML đối với sản xuất các giống lúa mới đã thực hiện tốt mục tiêu của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng. Mô hình này không chỉ tạo cơ hội khai thác lợi thế của địa phương, tạo quy mô sản xuất tương đối lớn, khối lượng nông sản hàng hóa tập trung chất lượng cao, giá thành hạ mà còn tạo môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân. Giúp họ liên kết chặt chẽ với nhau trong sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống ngay trên mảnh ruộng của mình.

ĐỒNG VĂN