Những chuyến đò đưa cá về chợ

Phụ nữ ở đây đa phần làm nghề bán cá. Sáng sớm, những mẹ, những chị lại chuẩn bị quang gánh hướng ra phía bãi đầm để đón chờ những người đàn ông trở về sau một đêm đánh bắt. Sống theo đuôi những con tôm con cá, người ngư dân nắm bắt thói quen và lối sống của các giống loài thủy sản như: “Tôm chạng vạng, cá rạng đông”, lối sống bầy đàn, tăng giảm số lượng theo chu kỳ của từng con nước.

Sau một đêm, những người làm nghề trở về với những mẻ tôm cá còn tươi nguyên. Công việc còn lại thuộc về những người phụ nữ, họ gánh cá lên chợ để bán. Hình ảnh rộn ràng buổi sớm mai trên bãi nước đầm Chuồn không bao giờ cũ trong tâm trí của những đứa trẻ lớn lên cùng đôi triêng gióng của người mẹ, người chị. Gần thì ghánh, xa thì chất lên xe, cứ thế, những đặc sản vùng miệt phá theo những người phụ nữ lên phố.

Con gái mới lớn đều theo mẹ tập tành bán cá. Những thiếu nữ mới mười chín đôi mươi, cái tuổi ai nhìn lâu một tí đã ngượng, ấy thế mà một thời gian làm quen với môi trường “họp chợ” đã trở nên hoạt bát, già dặn, ăn nói liếng thoắng. Bán cá là một nghề như biết bao nghề khác để mưu sinh. Ngoài việc bươn chải kiếm sống, họ còn là những sứ giả đem đến cho “thực khách” những mặt hàng thủy sản nức tiếng của vùng miệt phá quê mình, với những “thương hiệu” thủy sản nổi tiếng như: cá kình đầm Chuồn, cá dìa đầm Sam, cá đối Cầu Hai...

Trải qua nhiều thế hệ, họ - những người phụ nữ vẫn miệt mài với công việc đem những đặc ân trong từng con nước đến với mọi người. Dẫu cho thời gian đã thay đổi ít nhiều, thế nhưng cái nghề bán cá vẫn là một cách gọi thân thuộc làm nên nét đặc trưng vùng miền của mỗi một địa phương. Và hình ảnh cứ mỗi sáng sớm, những mẻ tôm cá tươi ngon theo chân những người phụ nữ ngược quê lên phố là minh chứng sống động nhất của một cuộc sống vững bền.

Đắc Hát