Ra quân diệt chuột, bảo vệ mùa màng

Một mùa vụ khó khăn

Bước vào đầu vụ đã gặp rét cùng với tình trạng chuột bọ hoành hành, đồng ruộng không được bồi đắp phù sa nên năm nay báo hiệu một mùa vụ khá khó khăn. Ông Trần Hữu Toàn, Chủ nhiệm HTX NN Phú Dương (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, HTX đưa vào sản xuất 330 ha các loại giống lúa ngắn và dài ngày. Đến nay, bình quân có từ 5-10% diện tích bị chuột cắn phá khi vừa gieo sạ xong. Cá biệt, có nơi lên đến 20%, phải mua mạ về tỉa dặm lại rất mất công, tốn chi phí. Số diện tích bị chuột gây hại tập trung chủ yếu ở các xứ đồng gần cồn mồ, bờ đê và khu dân cư có địa hình cao, thích hợp cho chuột trú ẩn”.

Theo ông Toàn, sản xuất nông nghiệp tại địa phương ngay từ đầu vụ đã gặp khó khăn do tình trạng xâm lấn của bèo lục bình vào nội đồng. HTX phải bỏ khá nhiều kinh phí để thu gom, giải quyết. Giờ thì lo chuột hoành hành do năm nay không có lũ, làm nhiều diện tích bị thiệt hại.

Cán bộ HTX về tận ruộng hướng dẫn bà con nông dân diệt chuột

Tại HTX Đông Phước, Đông Phú (huyện Quảng Điền), năm nay đưa vào sản xuất chừng 500 ha lúa, đến nay đã gieo sạ xong. Vừa thăm đồng trở về, ông Nguyễn Tẩu (thôn Khuôn Phò, xã Quảng Phước) cho hay: “Tính đến thời điểm hiện nay, 1 sào lúa bà con đã đầu tư các chi phí tiền giống, phân, thuốc, công cán làm đất… ngót 1 triệu đồng, nhưng vừa sạ xuống thì chuột cắn phá. Giờ một số diện tích lên “lổ chổ” phải tỉa dặm lại. Nhiều nơi chuột xuất hiện với mật độ từ 2-3 con/m2; có ổ chuột bà con đào được 7-10 con”. Hộ ông Tẩu có 2 sào lúa gần xứ đồng ruộng cao, đến nay đã có gần 1 sào bị chuột cắn phá, thiệt hại khoảng 30%.

Ông Ngô Đình Triển, Chủ nhiệm HTX Đông Phước cho biết: “Năng suất lúa hàng năm của HTX đạt trên dưới 60 tạ/ha. Tuy nhiên, năm nay báo hiệu một mùa vụ khó khăn do trong năm không có lũ khiến chuột bọ nhiều, ruộng lại ít phù sa, ốc bươu vàng phát triển. Đến nay, một số diện tích lúa mới gieo sạ bị cắn phá từ 30-40%, nhiều nơi bà con phải mua mạ về tỉa dặm lại cho kịp khung lịch thời vụ”.

Nhiều biện pháp diệt chuột

Theo Chi cục TT&BVTV tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân 2016 với tổng diện tích 27.700 ha với các giống chủ lực như Khang Dân, 4B, TH5, HT1…Quá trình gieo cấy, sạ, các HTX cùng chính quyền địa phương đã đồng loạt ra quân diệt chuột bảo về mùa màng. Ngoài hàng nghìn bẫy bán nguyệt được đưa về các HTX, đến nay cũng có khoảng 300 kg thuốc diệt chuột được sử dụng…

Đầu tháng 1 năm 2016, được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, HTX NN Phú Dương đã triển khai mô hình phòng trừ chuột tổng hợp. Ông Trần Hữu Toàn, Chủ nhiệm HTX cho biết, mô hình triển khai trên diện tích 10 ha lúa với 72 xã viên tham gia. HTX được Chi cục TT&BVTV hỗ trợ gần 11kg thuốc Racumin, 45 chai thuốc diệt cỏ. Các hộ nông dân được tập huấn đợt 1 về các biện pháp diệt chuột bằng thuốc, bẫy và quy trình dọn sạch đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh và cỏ dại…Đến nay, mô hình hoạt động rất hiệu quả, cùng với đánh bả thuốc, bẫy chuột bán nguyệt, các xã viên đã ra quân diệt hàng nghìn con chuột bảo vệ mùa màng.

Ông Đoàn Thao, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang cho biết: “Năm nay sản xuất khó khăn không chỉ do chuột xuất hiện khá nhiều trên đồng ruộng mà còn ngay từ đầu vụ, tình trạng đấu úng không kịp thời làm một số diện tích lúa ở Vinh Hà, Vinh Thái và một số địa phương bị ảnh hưởng. Hiện, huyện đã chỉ đạo các địa phương dùng nhiều biện pháp, ra quân diệt chuột, trích kinh phí mua đuôi chuột từ người dân để bảo vệ mùa màng”.

Tại huyện Quảng Điền, ông Hoàng Vọng, Phó phòng NN&PTNT huyện cho hay, đến nay trên địa bàn huyện đã gieo cấy xong 4.258 ha các giống lúa ngắn và dài ngày. Theo ước tính có từ 5-10% diện tích bị chuột cắn phá tập trung ở một số HTX như Đông Phước, Lâm Lý, Mai Dương... Trước tình hình chuột bọ hoành hành, đến nay 22 HTX trên địa bàn huyện Quảng Điền đã sử dụng 170 kg thuốc Racumin để diệt chuột; Phòng NN&PTNT huyện cũng phân bổ 6.900 bẫy chuột bán nguyệt cho các HTX và đã ra quân diệt hàng vạn con chuột.

Ông Vọng cho biết thêm, ngoài chuột bọ, năm nay do đầu vụ gặp rét, ốc bươu vàng làm cây lúa mất sức, nguy cơ bị các loại bệnh như sâu keo, cuốn lá…Hiện nay, các địa phương đang tích cực sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bón phân thúc cây lúa sinh trưởng sau rét…

Hà Nguyên