Quản lý tốt nguồn nước có thể làm giảm đến 1/2 thâm hụt lương thực toàn cầu. Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học đã nghiên cứu khả năng sản xuất lương thực nhiều hơn với cùng một lượng nước bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước mưa và hoạt động tưới tiêu.

Do sự nóng lên toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm tình hình hạn hán và thay đổi lượng mưa, nguồn nước trở nên quan trọng hơn trong việc giảm thiểu mối đe dọa đến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.

“Sử dụng nguồn nước một cách thông minh có thể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến hiệu ứng tốt lớn ở cấp độ toàn cầu”, ông Jonas Jägermeyr đến từ Viện Nghiên cứu Tác động Biến đổi Khí hậu Potsdam, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.

Trong kịch bản tham vọng nhất, sản lượng calo toàn cầu có thể tăng lên 40%, nghĩa là giảm một nửa thâm hụt lương thực toàn cầu năm 2050, mặc dù dân số thế giới được dự báo sẽ đạt 9,7 tỷ người, tăng từ 7,3 tỷ người hiện nay.

Ngay cả trong kịch bản ít tham vọng nhất, kết quả cũng cho thấy việc quản lý nguồn nước nông nghiệp có thể đóng góp một phần rất quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho người nghèo, ông Jägermeyr nói.

Sử dụng mô phỏng máy tính, các nhà khoa học nghiên cứu phương án quản lý nước khác nhau, từ các giải pháp công nghệ thấp như thu thập nước mưa trong bể chứa để phủ gốc và tưới nhỏ giọt với quy mô công nghiệp.

Tiềm năng cho việc tăng năng suất thông qua quản lý nước là đặc biệt lớn ở các vùng khan hiếm nước như Trung Quốc, Úc, miền Tây Mỹ, Mexico và Nam Phi, nghiên cứu cho thấy.

“Quản lý nước là chìa khóa để giải quyết những thách thức cấp bách trong vấn đề phát triển bền vững toàn cầu”, theo ông Johan Rockström, đồng tác giả của nghiên cứu và là Giám đốc của Trung tâm Phục hồi Stockholm.

Tuy nhiên, nếu lượng phát thải khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch không được giảm xuống, việc quản lý nước rõ ràng là không đủ để vượt những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nghiên cứu khẳng định.

Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & Phys)