“Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự” ngày 3/9/2014 của TAND thị xã Hương Thủy có nội dung: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cụ thể: Về con chung: vợ chồng anh T chị H có 2 người con chung là cháu L sinh năm 2000 và cháu L sinh năm 2005. Anh T chị H thỏa thuận giao cháu L cho anh T trực tiếp trông nom chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến tuổi trưởng thành (đủ 18 tuổi). Giao cháu L cho chị H trực tiếp trông nom chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến tuổi trưởng thành. Người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom, chăm sóc con chung, không ai được cản trở.

Thỏa thuận của hai bên đã được tòa án công nhận là vậy, tuy nhiên theo đơn và phản ánh của chị H, sau khi ly hôn một thời gian, chị đưa con “phần” mình vào TP Hồ Chí Minh làm ăn sinh sống, thì bị anh T “bắt cóc”. Mẹ con chị H thuê nhà trọ ở. Ban ngày chị đi buôn bán, phải để con ở nhà một mình, khóa cửa lại. Chiều chị lại về mở cửa cho con đến trường gần nơi trọ để học thêm (cháu bé chưa được nhập học chính thức vì các thủ tục chưa hoàn tất). Theo chị H, lần thứ nhất chờ lúc đứa con đang học thêm ở trường, anh T định “bắt cóc” nhưng bị chị phát hiện. Chị đề phòng “canh” con kỹ hơn, nhưng phải đi buôn bán làm ăn nên cuối cùng vẫn bị anh T “bắt” mất con. Thương và lo lắng cho con đứt ruột, chị bỏ công việc mưu sinh ra Huế, đến “kêu” nhiều nơi, tìm mọi cách “giành” lại đứa bé, nhưng vô vọng.

Anh T thừa nhận việc mình vào TP Hồ Chí Minh “lén lút” bắt con, đến lần thứ hai mới “bắt” được, đúng như phản ánh của chị H. Anh cũng thừa nhận biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, nhưng anh làm điều đó vì thương và muốn đem đến những điều tốt đẹp cho con mà thôi. Theo anh T, suốt ngày bị “nhốt” trong căn phòng trọ thì tinh thần đứa trẻ 10 tuổi làm sao mà phát triển bình thường được. Đó là chưa kể việc khóa con một mình trong nhà rất nguy hiểm, lỡ xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả khó lường. Đứa con liên tục gọi điện thoại cho anh, “kêu cứu” anh vào đưa nó về Huế để được sống cùng chị, được đi học và vui chơi chạy nhảy với bạn bè cùng lứa tuổi. “Mỗi lần nghe con vừa gọi điện thoại vừa khóc là ruột gan tôi như có lửa. Lần thứ hai tôi phải mua vé máy bay đi cho nhanh, tránh bị “phát hiện”, mới đưa được con về đây.

Theo Th.s L.s Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty luật Công Khánh, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế: Việc người chồng (anh T) “bắt con” khi chưa có sự đồng ý của vợ (chị H) là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đã vi phạm quyết định công nhận sự thỏa thuận của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Với hành vi trên, người vi phạm bị xử phạt hành chính từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng (điểm c, khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP).

Để đảm bảo quyền lợi của mình, chị H có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự thị xã Hương Thủy ra quyết định thi hành án và cưỡng chế buộc anh T phải trả lại con cho chị H theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 31 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014).

Trường hợp có bằng chứng cho rằng chị H không thực hiện nghĩa vụ nuôi con của mình thì theo quy định của pháp luật, anh T phải nộp đơn yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con (Điều 84 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014).

Nếu anh T không chấp hành bản án, Quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù dã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử phạt hành chính, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm về tội “không chấp hành thi hành án (Điều 304 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)...

Cha mẹ ai cũng thương con, muốn sống cạnh bao bọc, che chở cho con. Tuy nhiên, trong trường hợp anh T chị H nói riêng (các trường hợp vợ chồng ly hôn nói chung), việc trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con chưa thành niên phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tránh việc vi phạm và những hậu quả đáng tiếc.

Quỳnh Anh