Tăng cường quan hệ kinh tế
Đánh giá khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi mang nhiều tiềm năng và cơ hội mà hiếm có khu vực nào khác có thể sánh bằng trong thế kỷ 21, Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định “đó là lý do tại sao, ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, tôi đã quyết định rằng Hoa Kỳ - một quốc gia Thái Bình Dương, sẽ phải tái cân bằng chính sách ngoại giao của mình và đóng một vai trò lớn hơn, lâu dài hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters |
Trong một cuộc họp báo vào cuối Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, California ngày 16/2 (giờ địa phương), Tổng thống Obama đã công bố một gói các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế của Mỹ với các nước ASEAN, bao gồm sáng kiến “Kết nối Mỹ-ASEAN” – thiết lập một mạng lưới các trung tâm trên khắp khu vực để phối hợp tốt hơn trong việc hợp tác kinh tế giữa Mỹ và ASEAN.
Số liệu từ Nhà Trắng cho thấy, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều Hoa Kỳ-ASEAN đã tăng gấp 3 lần so với những năm 1990, lên mức 254 tỷ USD hồi năm 2014, đồng thời góp phần tạo ra khoảng 500.000 việc làm tại Hoa Kỳ.
Hãng tin AP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian khẳng định: “Mỹ có mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu rộng với ASEAN”, trong khi Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands đã đưa quan hệ đối tác Mỹ-ASEAN vào một quỹ đạo mới, nâng lên một tầm cao hơn nữa.
“Tôi tự tin rằng bất cứ ai giữ vị trí Tổng thống tiếp theo cũng có thể tiếp tục xây dựng mối quan hệ này trên nền tảng mà chúng tôi để lại, bởi vì chúng ta có sự ủng hộ mạnh mẽ của cả 2 phía trong việc gắn kết Mỹ với khu vực Châu Á Thái Bình Dương”, Tổng thống Obama cho biết.
Sát cánh trong vấn đề Biển Đông
Ngày 16/2, tiếp tục ngày họp thứ 2 của Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN, trong số các vấn đề được bàn thảo như những căng thẳng gần đây với Triều Tiên, khủng bố ở Indonesia, biến đổi khí hậu... vấn đề Biển Đông vẫn được coi là chủ đề nóng được nhiều nước quan tâm.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama thông báo sẽ thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5 tới, với mong muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, đồng thời trao đổi về những biện pháp hợp tác cụ thể nhằm duy trì đà tích cực của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. |
Trong cuộc họp, Tổng thống Obama hối thúc “ngừng các hành động cải tạo, xây dựng mới hay quân sự hóa” các vùng biển ở châu Á, đồng thời cũng một lần nữa kêu gọi các bên có những “bước đi thực tế” nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông và cho rằng, mọi tranh chấp chủ quyền ở đây cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.
Trang tin Wall Street Journal ngày 17/2 dẫn lời Tổng thống Obama nhấn mạnh, “tự do hàng hải phải được tôn trọng, và thương mại hợp pháp không nên bị cản trở”. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định, “Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động trên biển, trên không, ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các đồng minh và đối tác của chúng tôi nhằm tăng cường khả năng hàng hải, và thực hiện các quyền tương tự”, sau khi thảo luận về sự cần thiết phải có những bước đi cụ thể ở Biển Đông nhằm hạ nhiệt căng thẳng, trong đó có việc ngừng cải tạo, xây dựng mới hay quân sự hóa ở các vùng biển tranh chấp.
Phát biểu tại phiên thảo luận này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, an ninh biển là vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, nhất là ở khu vực Biển Đông – nơi có hơn 50% lưu lượng hàng hải toàn cầu và nhiều đường hàng không đi qua khu vực này mỗi năm. Thủ tướng cũng chia sẻ mối quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp vừa qua ở Biển Đông, nhất là việc xây dựng, bồi đắp, quân sự hoá ở một số đảo, đe doạ đến an ninh khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng thời lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ và các nước ASEAN “có tiếng nói mạnh mẽ và hành động thực tế hơn, hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Sau cuộc họp, lãnh đạo các nước nhất trí thông qua tuyên bố chung gồm 17 điểm, trong đó có các điểm liên quan đến việc bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, bao gồm cả quyền tự do hàng hải, hàng không theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Theo đáng giá của các nhà phân tích, mặc dù tuyên bố trên không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng đây được xem là một thông điệp cứng rắn đối với Bắc Kinh, đồng thời cũng thể hiện rõ chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.
LÊ THẢO (Tổng hợp & lược dịch từ Reuters, AP, WSJ & CNA)