Dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, ông nghĩ như thế nào về một số lễ hội đang được tổ chức ở nhiều vùng miền trong nước biểu hiện rõ sự biến tướng như “buôn thần bán thánh”, cầu thăng tiến, giàu sang bằng lễ vật…?

Đó là sự xuống cấp từ tâm hồn đến nhận thức của tâm lý xã hội. Không ít người đến lễ hội với tâm lý trục lợi và nghĩ thần linh có khả năng ban phát lợi lộc, sức khỏe; họ biến thánh thần thành những kẻ “được hối lộ” bằng vật phẩm dâng lễ.

Bên cạnh đó, cũng có xu hướng những người trẻ chọn các điểm lễ hội để du hí, ăn, chơi tùy ý chứ không phải là du lãm thanh cao. Những hoạt động này làm giảm bớt sự trong sáng của không gian lễ hội. Mục đích tổ chức lễ hội hướng con người đến những giá trị của chân - thiện - mỹ không đạt được mà vô hình chung lại hướng đến những kỳ vọng lợi ích vật chất tầm thường. Những người làm công tác quản lý phải thấy vấn đề này để có giải pháp cần thiết nhằm giáo dục nhận thức cho người dân.

Theo ông, nguồn gốc của những biến tướng này xuất phát từ đâu?

Chính những tiêu cực xuất hiện đó đây trong xã hội như chạy chọt để xin việc, để được thăng quan tiến chức… khiến người dân mất dần niềm tin vào chính khả năng của mình, nên họ thiên về những ý nghĩ mê tín dị đoan, đem sự cầu cạnh của trần tục ứng xử với thần linh. Hơn lúc nào hết, công tác phòng chống tham nhũng phải được thực hiện một cách triệt để và sâu sát, chứ không phải chỉ hô hào suông. Việc thực hiện bài học sống và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng phải được tiến hành một cách trọn vẹn từ trên xuống, ở tất cả các tổ chức đến quần chúng Nhân dân, nhằm tạo sự đồng lòng, đồng nhất trong các tầng lớp xã hội.

Dân gian có câu “Thuần phong mỹ tục”, vậy theo ông có nên gọt dũa những phong tục không thuần mỹ ?

Với nghi lễ cổ truyền nào mang tính hiếu sát, không phù hợp với xã hội hiện đại thì chúng ta cần có giải pháp để ngăn cản, hạn chế. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu kỹ và cẩn trọng để xác định đâu là hủ tục mê tín cần thay đổi, đâu là tín ngưỡng cần tôn trọng và chỉ hạn chế.

Thành kính viếng tổ đình Thuyền Tôn ngày xuân. Ảnh: Hồ Minh

Ai hay cơ quan nào có thể làm được điều đó, thưa ông?

Các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa và chủ thể của những lễ hội có yếu tố đó cần phải ngồi lại với nhau, xác định cụ thể đâu là điểm cần thay đổi và thay đổi như thế nào. Bắt đầu từ những tích xưa, giá trị nào hay thì phát huy, gìn giữ. Điểm nào không phù hợp với xã hội hiện đại thì từ từ thuyết phục để cộng đồng đó dần có sự thay đổi. Cần phải có sự kiên trì, mềm mại và uyển chuyển trong quá trình thuyết phục chủ thể của các lễ hội ấy về những điều không còn phù hợp, để họ hiểu rằng đó là những hành vi không còn thích ứng, gây sự phản cảm và dần có những chuyển biến trong nhận thức. Sự chuyển biến ấy là hoàn toàn tự nguyện, chủ động chứ không nên có bất kể sự áp đặt nào.

Theo ông, người dân tham gia lễ hội như thế nào để thể hiện sự văn minh?

Mọi người đều phải nhận thức được rằng, đây là thế kỷ 21, đất nước đã tham gia hội nhập toàn cầu, vì vậy phải tham gia lễ hội trong tâm thế của bối cảnh xã hội ngày nay. Người dự lễ phải có lòng tôn trọng các đấng thiêng liêng chứ không phải đem những hành vi ứng xử trần tục thể hiện trong lễ hội truyền thống.

Hơn nữa, cần phải hiểu rằng, con người mới là chủ thể của đời sống chứ không có thế lực siêu nhiên nào đem lại cho chúng ta phúc, lộc. Thánh thần chỉ hướng cho chúng ta con đường sống hướng thiện, trong sáng. Con người phải nhận thức được rằng, đến với lễ hội là đến với sự cộng cảm, với cái tâm trong sáng, không mưu cầu lợi ích mới hạn chế được tiêu cực. Trong nhà trường phải giáo dục cho các em học sinh cái tâm trong sáng, không để tiêu cực trong xã hội tác động đến nhân cách con người.

Xin cảm ơn ông!

THỦY HIỀN (Thực hiện)