Bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là bệnh cảnh vi mạch thường gặp nhất và là nguyên nhân chính gây mù lòa ở 86% người bệnh ĐTĐ týp 1 và 33% người ĐTĐ týp 2. Các biện pháp kiểm soát đường máu, huyết áp có thể giúp phòng ngừa khởi phát và làm chậm tiến triển xấu của bệnh lý VMĐTĐ, đa số bệnh võng mạc thường không có triệu chứng cho đến khi tổn thương tiến triển nặng mới được phát hiện. Vì vậy phát hiện sớm bệnh bằng cách theo dõi thường xuyên các yếu tố nguy cơ là cần thiết để phát hiện kịp thời giúp phòng ngừa biến chứng mù lòa.

 

Các yếu tố nguy cơ

 

1. Thời gian mắc bệnh đái tháo đường

 

Ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 1, hiếm gặp bệnh VM giai đoạn đầu mới phát hiện nhưng nó sẽ tăng nhanh khoảng 25% sau 5 năm, 75% sau 10 năm và sau khoảng 20 năm thì hầu hết các bệnh nhân ĐTĐ týp 1 đều đã có biến chứng VM. Ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 2, ngay lúc được phát hiện đã có khoảng 20% số bệnh nhân có biến chứng VM, và tỷ lệ này sẽ tăng khoảng 28,8% sau 5 năm và tăng cao khoảng 77,8% sau 15 năm.

 

2. Tăng đường máu

 

Tăng đường máu mạn tính lại gây ra các biến chứng nặng ở VM. Kiểm sóat tốt đường máu bằng theo dõi và điều trị có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện và tiến triển của bệnh VM ĐTĐ.

 

3. Tăng huyết áp (THA)

 

THA là 1 yếu tố nguy cơ cho sự tiến triển của bệnh VMĐTĐ. Cụ thể, tăng dòng máu do huyết áp cao sẽ phá hủy hệ thống mao mạch ở VM. Theo dõi các bệnh nhân ĐTĐ týp 2 trong thời gian trung bình 8,4 năm được kiểm soát chặt huyết áp, thấy giảm 34% tiến triển của bệnh VM, và giảm 47% nguy cơ giảm thị lực. Các biến chứng vi mạch, bao gồm bệnh VMĐTĐ, đã giảm tới 13% với mỗi 10mmHg giảm huyết áp tâm thu.

 

4. Rối loạn lipid máu

 

Tỷ lệ bị bệnh VMĐTĐ tương quan thuận với tăng cholesterol và triglyceride máu. Rối loạn lipid máu, nhất là tăng triglyceride và LDL-cholesterol. Những xuất tiết cứng này thường thấy ở vùng hoàng điểm và thường gây phù hoàng điểm. Điều trị rối loạn lipid máu có thể trì hoãn tiến triển của bệnh VM ĐTĐ.

 

5. Protein niệu và microalbumin niệu

 

Tăng thanh thải albumin niệu được chứng minh là có liên quan với bệnh VMĐTĐ ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 2. Albumin niệu chỉ điểm sự xuất hiện của bệnh VMĐTĐ. Cả protein niệu vi thể và đại thể đều phối hợp với tăng nguy cơ bệnh VMĐTĐ tăng sinh ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 1 và 2.

 

6. Thiếu máu

 

Thiếu máu hồng cầu bình thường liên quan với tăng nguy cơ bị bệnh VMĐTĐ, đặc biệt là thể nặng. Điều trị đồng thời thiếu máu có thể làm chậm tiến triển của bệnh VMĐTĐ.

 

7. Hút thuốc lá

 

Tác hại của hút thuốc lá kéo dài đến tiến triển của bệnh VMĐTĐ. Mặt khác, hút thuốc lá là 1 yếu tố nguy cơ quan trọng cho các biến chứng ĐTĐ khác, đặc biệt là bệnh tim mạch.

 

Theo khuyến cáo của Hiệp Hội ĐTĐ Thế giới, bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ cần phải kiểm tra mắt định kỳ:

 

1. Khám thị lực.

 

2. Khám mắt trên kính hiển vi, tư vấn điều trị.

 

3. Đo nhãn áp, nhỏ giãn đồng tử.

 

4. Siêu âm mắt đánh giá tình trạng dịch kính – võng mạc.

 

5. Khám và chụp ảnh màu đáy mắt kỹ thuật số lưu dữ liệu.

 

6. Chụp mạch huỳnh quang võng mạc (nếu cần).

 

7. Laser quang đông võng mạc bằng laser màu 532 (khi có chỉ định).

 

Mặc dù đã có những tiến bộ lớn về khoa học và kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường nhưng việc khám mắt định kỳ là rất quan trọng, giúp phát hiện sớm, quản lý và điều trị laser kịp thời. Đó là cách tốt nhất góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ĐTĐ.

 

TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng