Món quà độc đáo

Trong căn nhà nhỏ ở căn hẻm đường Nguyễn Huệ, chàng kiến trúc sư sinh năm 1989 - Lê Ngọc Tuấn Anh loay hoay cắt cắt, dán dán. Những chi tiết nhỏ xíu được cậu lắp ráp lại với nhau bằng những dụng cụ độc đáo: dao mổ, kéo, nhíp của nghề y. Cứ lắp vào, thử gấp, rồi lại tháo ra, anh chàng loay hoay suốt buổi sáng. Đến trưa thì mô hình Ngọ Môn cũng thành hình. Không gian ấy khi thu nhỏ trông y như thật. Điều đặc biệt là mô hình này có thể xếp lại gọn gàng trong tập bìa carton, mở ra lại thành Ngọ Môn. Thú vị hơn nữa là có thể tháo rời tác phẩm ấy đặt trên chiếc đèn bàn, lung linh không khác gì Đại Nội được thắp sáng về đêm.

Tác phẩm mô phỏng nhà thờ Dòng Chúa cứu thế

Với tay lấy tác phẩm “Nhà thờ Dòng Chúa cứu thế”, Tuấn Anh giới thiệu: “Đây là tác phẩm đầu tiên của em”. Nhìn bên ngoài, nó không khác gì một tập bìa sơ mi cứng bằng khổ A4. Nhưng khi mở ra, một công trình kiến trúc nhà thờ ba chiều hiện ra khiến ai mới xem lần đầu cũng ngạc nhiên thán phục. Trên tấm bìa ấy, Tuấn Anh còn vẽ tấm bản đồ thu nhỏ, giới thiệu về đặc điểm, lịch sử ra đời của công trình để giúp người xem có thể hiểu về công trình ấy dù chưa từng đến.

Tuấn Anh đến với nghệ thuật Kirigami rất tình cờ. Trong một lần làm quà tặng cho người thân ở nước ngoài, Tuấn Anh làm mô hình kiến trúc về nhà thờ Dòng Chúa cứu thế trong lồng kính rất đẹp nhưng lại cồng kềnh quá, khó có thể mang đi. Thế là Tuấn Anh nghĩ cách xếp nhà thờ lại bằng nghệ thuật cắt giấy. Tìm hiểu trên mạng, em mày mò tự làm. Kết hợp giữa giấy, không gian ba chiều của không gian và kiến trúc, những tác phẩm đầu tiên của Tuấn Anh ra đời khiến người được nhận quà thích thú, cư dân mạng đánh giá cao.

Để làm ra một tác phẩm là cả sự kỳ công và tỉ mỉ. Tuấn Anh cho biết, tác phẩm đầu tiên làm mất 4 tháng trời. Trước tiên, Tuấn Anh phải đi khảo sát thực địa công trình, đo đạc để có bản vẽ sơ bộ. Sau đó cân đối hài hòa tỷ lệ các kích cỡ để thiết kế bản vẽ cắt lớp trên máy tính cho chính xác. Kế đến là cắt lớp bằng thủ công, xếp các mặt giao nhau cho khớp để có thể gấp lại được. Sau khi lắp ráp thử thấy ổn, Tuấn Anh mang đi cắt laser để tác phẩm có được độ tinh xảo.

Phát triển thành sản phẩm lưu niệm

Nghệ thuật Kirigami (Kiri: cắt, Gami: giấy) là một biến thể của Origami (Ori: gấp, Gami: giấy) du nhập vào Việt Nam vào những năm 2004, 2005 và được các bạn trẻ say mê đón nhận. Tuấn Anh chia sẻ: “Nghệ thuật Kirigami có ở Nhật từ rất lâu rồi. Mình học kiến trúc ra nên muốn phát triển nghệ thuật này để mỗi tác phẩm là một mô hình thu nhỏ. Hơn nữa, mình đi sau phải làm tinh xảo, công phu và đẹp hơn”.

Tác phẩm mô phỏng Ngọ Môn

Đam mê loại hình nghệ thuật này, Tuấn Anh dồn vào bao công sức, tình cảm. Là kiến trúc sư mới ra trường được 3 năm, nhận thiết kế công trình nào, Tuấn Anh đều dồn tiền kiếm được vào nghệ thuật cắt giấy. Để mua được loại giấy mỹ thuật vân gỗ có tính đàn hồi cao làm tác phẩm Kirigami, Tuấn Anh phải lặn lội vào Tp Hồ Chí Minh săn lùng. Chi phí mua loại giấy này khá đắt.

Đến với nghệ thuật Kirigami hơn một năm nay, Tuấn Anh đã làm nhiều tác phẩm về nhà thờ Dòng Chúa cứu thế, Ngọ Môn và một số công trình khác. Với sự tiện lợi và độc đáo, sản phẩm của Tuấn Anh được nhiều người đón nhận, nhất là khách phương xa. Chàng kiến trúc sư trẻ đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều nơi. Một số sản phẩm đã được Tuấn Anh sản xuất hàng loạt và gửi sang Mỹ, gửi bán ở các nhà sách. Tùy theo sự công phu và tỉ mỉ của tác phẩm, mỗi tác phẩm có giá dao động khoảng 200-250 nghìn đồng.

Mong ước biến các tác phẩm nghệ thuật Kirigami thành một sản phẩm lưu niệm độc đáo của Huế, có thể quảng bá du lịch cho quê hương, Tuấn Anh đang nghiên cứu làm thêm các công trình kiến trúc đặc trưng khác, như: cầu ngói Thanh Toàn, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, chùa Thiên Mụ, các lăng tẩm, đền đài… Ấp ủ dự định phát triển sản phẩm, Tuấn Anh cùng một người bạn của mình sẽ đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm này qua mạng. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu để sản xuất số lượng lớn cũng không ít nên Tuấn Anh vẫn còn dè chừng và mong có người hợp tác đầu tư.

Bài, ảnh: NGUYỆT TÚ