Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Nguồn: AFP |
Phát biểu với báo giới, ông Kerry nêu rõ: "Có rất nhiều bằng chứng, diễn ra hầu như hàng ngày về việc gia tăng quân sự hóa dưới hình thức này hay hình thức khác. Chúng tôi đặc biệt quan ngại điều này. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc và tôi tin rằng trong những ngày tới, chúng tôi sẽ có cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này."
Trước đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết các khẩu đội tên lửa đã được triển khai trên đảo Phú Lâm hiện do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Đài Bắc cũng tuyên bố chủ quyền.
Kênh truyền hình Fox News cho biết những hình ảnh vệ tinh dân sự của hãng ImageSat International cho thấy 2 khẩu đội tên lửa gồm 8 bệ phóng và một hệ thống rađa đã được bố trí trên hòn đảo này. Một quan chức Mỹ cho biết các tên lửa này, được triển khai vào tuần trước, dường như là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 200km, có thể đe dọa bất cứ máy bay nào bay gần đó.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Biển Đông có thể dẫn đến việc Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại đây.
Mira Rapp-Hooper, chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tên lửa phòng không ra Hoàng Sa, nhưng động thái mới nhất này là nhằm phản ứng với việc Mỹ điều tàu tuần tra vào gần đảo Tri Tôn, cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa, hồi tháng trước.
Bà Mira lưu ý rằng Trung Quốc đã tuyên bố không tìm cách quân sự hóa các đảo và bãi đá ở Trường Sa, nhưng chưa hề đưa ra cam kết như vậy đối với Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đã triển khai các khí tài quân sự trong nhiều năm.
Theo Vietnam+