Việc làm không chỉ là nhu cầu chính đáng của người lao động mà còn là vấn đề của toàn xã hội. Việc lao động trẻ trên địa bàn tỉnh “ly nông, ly hương” để tìm việc làm cũng là điều dễ hiểu, bởi theo quy luật thị trường, nơi dễ kiếm việc làm, điều kiện lao động tốt và thu nhập cao thì sẽ thu hút nguồn nhân lực từ các nơi khác đến. Điều này đã diễn ra nhiều năm, nhưng nay đang có sự dịch chuyển tích cực, nhiều lao động trẻ “ly nông, bất ly hương”. Có sự chuyển dịch này là nhờ những năm qua trên địa bàn tỉnh, các khu công nghiệp thu hút nhiều nhà máy, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Không ít trường hợp sau thời gian bôn ba khắp nơi làm việc nay trở lại quê làm việc nhờ tìm được việc làm phù hợp, thu nhập đảm bảo. Con số 99% lao động trở lại làm việc sau Tết là minh chứng rõ nhất.

Thực tế hiện nay, nhu cầu việc làm của người lao động vẫn còn rất lớn; nhiều người vẫn tiếp tục bôn ba khắp nơi để tìm việc làm. Tại địa phương, không ít lao động vẫn ngóng chờ, hy vọng tìm được việc làm. Tất cả đều trông chờ vào đầu năm mới, bởi những tháng cuối năm hầu hết các doanh nghiệp đều không tuyển thêm lao động do nhiều nguyên nhân; trong đó có lý do doanh nghiệp muốn ổn định sản xuất, người lao động cũ cố gắng “bám” để nhận các khoản thưởng cuối năm nên khó có chỗ trống cho lao động mới.

Đầu năm, cơ hội tìm việc tại chỗ thuận lợi hơn, nhưng để tìm được việc làm, người lao động cần có sự chuẩn bị tâm thế, tay nghề, kỹ năng làm việc phù hợp đòi hỏi của công việc và doanh nghiệp. Đơn cử, hiện nhiều dự án dệt may đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh và sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm nay sẽ cần tuyển hàng nghìn lao động. Trước đây, các doanh nghiệp có thể tuyển dụng người chưa có tay nghề rồi tiến hành đào tạo tại chỗ. Nay đã khác, các doanh nghiệp đều tuyển những thợ có tay nghề thực sự chứ không dựa vào chứng chỉ hay bằng cấp của người lao động. Thậm chí có lao động được tuyển dụng, nhưng sau vài tháng thử việc không đáp ứng được yêu cầu công việc nên đành phải chia tay doanh nghiệp. Trong khi đó, không ít lao động lại chưa chú trọng đến việc học nghề, nâng cao tay nghề nên việc tìm kiếm việc làm sẽ mãi là bài toán không có lời giải đối với họ.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, thị trường lao động rộng mở, nhất là trong khối ASEAN, người lao động được phép làm việc ở một số ngành nghề như hướng dẫn du lịch, hộ lý... Điều này đồng nghĩa, cơ hội tìm việc làm cũng tăng lên, nhưng cũng đòi hỏi người lao động phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, sát thực tế hơn. Đồng thời, đi đôi với việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, người lao động cần trang bị thêm các kỹ năng mềm, ngoại ngữ để sẵn sàng cho “cuộc đua” trong thị trường lao động mở.

Hoàng Giang