“Đây là một trong những thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker nói với báo chí trước khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bước vào Hội nghị thượng đỉnh 2 ngày tại Brussels với nội dung chính là Brexit – kế hoạch trưng cầu ý dân của Vương quốc Anh về việc nước này sẽ ở lại hay rời khỏi EU.
Sau một thời gian dài của những cuộc thương lượng, mặc cả và gây sức ép, đây là thời khắc quyết định, khi cả hai bên, EU và và Anh phải ngửa bài để tìm ra một thỏa thuận trước khi nước Anh dự kiến trưng cầu dân ý về Brexit trong tháng 6 tới.
Khi đặt chân đến Brussels, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: “Tôi sẽ chiến đấu cho Anh quốc. Nếu có một thỏa thuận tốt, tôi sẽ chấp nhận, nhưng tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận không đáp ứng được đòi hỏi của người dân Anh”.
Phát biểu này tóm gọn đầy đủ ý đồ chiến lược bao lâu nay của chính phủ Anh: không muốn rời EU nhưng dùng mối đe dọa Brexit để bằng mọi cách buộc Brussels nhượng bộ và trao cho Anh quốc những quyền lợi đặc biệt mà các thành viên khác không có.
Người di cư chen chúc tại nhà ga xe lửa ở thị trấn Sid – Serbia hôm 17-2 Ảnh: AP |
Cho đến thời điểm này, chiến lược nói trên của ông David Cameron đang mang lại kết quả khi EU, bị tê liệt bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn và tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài suốt 7 năm qua, lo sợ rằng việc nước Anh rời bỏ Liên minh châu Âu sẽ khiến toàn bộ khối này khủng hoảng trầm trọng, thậm chí là sụp đổ.
Hôm 2/2 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cho công bố những nhượng bộ mà Brussels chấp nhận để đổi lại việc nước Anh ở lại trong EU.
Cụ thể, như những gì được phát đi từ Brussels và London thì để tránh một Brexit, các quan chức châu Âu đã đồng ý trên nguyên tắc 2 đòi hỏi rất quan trọng với London là: một, London có quyền xem xét lại các quyết định của liên minh tiền tệ (eurozone) và hai, London có quyền cắt 4 năm trợ cấp xã hội cho những gia đình nhập cư, để tránh việc lạm dụng chính sách trợ cấp xã hội.
Một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Brussels, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai ủng hộ đòi hỏi này từ phía Anh vì cho rằng đó là những đòi hỏi “chính đáng”.
Đòi hỏi tiếp theo, như cách diễn đạt của nước Anh là một “phanh khẩn cấp” cho phép nước Anh hạn chế việc tự do lưu thông trong khối và việc những người nhập cư lợi dụng việc du lịch đến Anh rồi ở lại trái phép và tận dụng chính sách an sinh xã hội của nước này.
Ngoài hai đòi hỏi này, phía Anh còn muốn được miễn trừ đối với điều khoản “xây dựng một liên minh ngày càng chặt chẽ hơn” được quy định trong Hiệp ước Roma năm 1957. London cho rằng quy định này là một sự ép buộc về việc hòa nhập chính trị mà nước này vẫn luôn phản đối và mỗi nước nên có một cách hòa nhập khác nhau, theo các con đường khác nhau chứ không thể tất cả đều chung một con đường. Theo cách diễn giải này, London muốn Nghị viện các nước vẫn giữ được quyền tự chủ trước Nghị viện châu Âu.
Nhiều chính trị gia châu Âu đang phẫn nộ là dường như Brussels đang nhượng bộ quá nhiều và chấp nhận những đòi hỏi cải cách như đúng yêu cầu của London, bất chấp thực tế là các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ và phản đối Brexit trong dân chúng Anh khá ngang nhau và rất sít sao.
Nhiều chính trị gia ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan… cho rằng Brussels đang bị London biến thành con tin với mối đe dọa Brexit, một kịch bản mà nếu xảy ra sẽ là thảm họa đối với châu Âu nhưng cũng là thảm họa với chính nước Anh./.
Theo VOV