Hội Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIVvừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 16/2.

Theo dự kiến, Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, HĐND sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16/3 đến 18/3. Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tổ chức từ 20/3 đến 12/4. Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 được tổ chức trong khoảng thời gian từ 13/4 đến 17/4.


Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm trong bầu cử Quốc hội khóa XIV lần này là cơ cấu đại biểu ngoài Đảng tham gia vào Quốc hội khóa XIV. Theo nhiều ý kiến, với số lượng đại biểu Quốc hội là 500 mà chỉ cơ cấu 35 đại biểu là người ngoài Đảng là quá ít. Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và đội ngũ công- nông-trí, vì thế cần có một tỷ lệ tương xứng những người đại diện cho đội ngũ và những người ngoài Đảng trong Quốc hội để họ được nói lên tiếng nói của mình.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội chỉ thấy khác so với các kỳ trước là tăng cán bộ chuyên trách, trong khi bây giờ tình hình trong và ngoài nước có nhiều thay đổi, cần có cơ cấu thành phần ĐBQH khóa XIV một cách hợp lý.

“Bây giờ dân làm chủ, những người quan trọng nhất là nông dân, công nhân, trí thức và doanh nhân, thì trong tỉ lệ bầu ĐBQH không nhiều, đa phần vẫn là cán bộ hành chính. Cần phải bàn kỹ lại cơ cấu này. Đại hội Đảng XII nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, nhưng cơ cấu bầu cử trong Quốc hội lại chưa rõ để họ nói tiếng nói của khối kinh tế tư nhân”- ông Nguyễn Túc trăn trở.

Không vì cơ cấu mà chọn cho đủ ĐBQH

Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, bà hoàn toàn đồng tình với đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng, tuy nhiên về cơ cấu đối với người ngoài Đảng nên có cơ cấu chiến lược.

Theo bà Đặng Huỳnh Mai, người ngoài Đảng có thể là những doanh nhân, trí thức… đều có thể chọn được người có vai trò của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, phải chọn ĐBQH trên cơ sở chất lượng đại biểu chứ không phải vì đủ cơ cấu mà chọn những đại biểu không đủ chất lượng.

“Tôi có nhiều năm làm Giám đốc nhiều ở cơ sở, mọi người giao tìm cho được một nữ hay một người ngoài Đảng. Những người vào Đảng là tiêu biểu, nhưng không vì cơ cấu mà cứ phải chọn cho được người ngoài Đảng tham gia vào Quốc hội, như vậy sẽ không có hiệu quả”- bà Mai nói.


Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo

Bà Đặng Huỳnh Mai cho biết, bà rất tâm đắc với trường hợp của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Khi Bộ GD-ĐT đề nghị phát triển Đảng viên cho nguyên Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Văn Huyên thì Bác Hồ có khuyên không nên, vì đây là một người ngoài Đảng, vừa là một trí thức và như vậy thì ngoài Đảng cũng có những người xứng đáng tham gia vào Bộ máy Nhà nước. 

“Đây cũng là một điển hình về việc trọng dụng người ngoài Đảng. Vì thế tôi đồng tình cao việc chọn người ngoài Đảng tham gia vào Quốc hội nhưng cần có chiến lược để chọn được những người xứng đáng”- bà Mai đề xuất.

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, Quốc hội có 500 đại biểu mà thành phần ngoài Đảng dự kiến 35 người thì ít quá. Cơ cấu 35 ĐBQH là người ngoài Đảng mới chỉ là cơ cấu định hướng, nếu phát hiện được nhiều trường hợp tiêu biểu hoàn toàn có thể đưa vào để dân bầu, như thế mới hợp lòng dân.

“500 đại biểu chỉ có 35 người ngoài Đảng, đề nghị nên tăng con số này. Ngoài Đảng có nhiều người ưu tú lắm chứ không riêng gì Đảng viên. Làm sao tăng lên được khoảng 100 người vì người ưu tú rất nhiều. Tôi đề nghị cần cân nhắc kỹ hơn vấn đề này”- ông Lù Văn Que đề nghị.

“Người ngoài Đảng đủ tiêu chuẩn ĐBQH còn nhiều lắm”

Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cũng đồng tình việc chỉ có 35 ĐBQH là người ngoài Đảng nếu so với con số 500 đại biểu Quốc hội là quá ít. “Nên cố gắng theo hướng tăng số đại biểu là người ngoài Đảng. Đại biểu ngoài Đảng đủ tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội còn nhiều lắm. Những người ngồi trong hội trường Quốc hội mà cân đối đủ cơ cấu nam, nữ, dân tộc, trong Đảng, ngoài Đảng… thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV dự kiến người ngoài Đảng tham gia Quốc hội là 25-50 đại biểu. Tuy nhiên, con số này vẫn có thể thay đổi, chứ không phải đã là con số ấn định.

Ngày 17/2, Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra thông báo về kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất tại Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu điều chỉnh để tăng số người ứng cử là người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh tăng số đại biểu Quốc hội chuyên trách và giảm đại biểu thuộc khối hành pháp.

Minh Hòa (Theo VOV)