Đề xuất sửa đổi Hiến pháp điều 34, thêm điều khoản về tước quốc tịch Pháp đối với những phần tử có hành động khủng bố vừa được Hạ viện Pháp thông qua hôm 10/2 và sắp tới sẽ được xem xét tại Thượng viện. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này có rất nhiều tranh cãi.

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp đưa điều khoản về tước quốc tịch vào điều 34 được Chính phủ Pháp đưa ra nằm trong một loạt các điều chỉnh nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, được ban hành sau khi nước Pháp hứng chịu đợt tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris hồi đầu và cuối năm ngoái, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Tuy nhiên, dự luật này đang gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Pháp, bởi những khúc mắc liên quan giữa nó với quyền công dân và bình đẳng trước pháp luật, những giá trị mà nền cộng hòa Pháp hằng theo đuổi.

Nội dung cơ bản của dự luật này là việc sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt bằng việc tước quốc tịch của những kẻ có hành động khủng bố. Điều này có vẻ hợp lý, trên cơ sở coi những kẻ khủng bố thuộc cộng đồng nhập cư, đa phần tới từ thế giới Arập - Hồi giáo. Tước đi quốc tịch Pháp đồng nghĩa với việc tách họ khỏi các quyền công dân đi kèm, gắn bó với đời sống chung trong xã hội Pháp, dễ bề kiểm soát, khống chế các hành vi của họ...

Tuy nhiên, dự luật vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, ngay chính trong lòng nước Pháp. Nhiều ý kiến cho rằng dự luật này sẽ tạo nên sự đối xử bất bình đẳng với các công dân, bởi nó chỉ có thể áp dụng với những người có từ hai quốc tịch trở lên. Nếu áp dụng với người có một quốc tịch duy nhất, dự luật này sẽ vi phạm quy định của luật hiện hành (được thông qua ngày 16/3/1998) không tạo ra thêm các trường hợp “không quốc tịch” mới.

Như vậy, những người chỉ có "một quốc tịch" duy nhất sẽ nghiễm nhiên không chịu điều luật  này. Ước tính ở Pháp hiện có khoảng 3,3 triệu người "2 quốc tịch", tình hình sẽ ra sao khi dự luật trên vô hình chung đặt họ vào vòng ngắm.

Trước những chỉ trích đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande giải thích: “Không phải vô cớ mà điều khoản tước quốc tịch nhận được sự ủng hộ của 2/3 các nghị sỹ Quốc hội Pháp. Có thể điều khoản này sẽ làm cho một số người 2 quốc tịch cho rằng họ bị nhắm tới. Tuy nhiên, thực chất điều khoản này chỉ liên quan đến những kẻ mang quốc tịch Pháp nhưng lại có những hành động khủng bố chống lại người Pháp và khi đó, bản thân bọn chúng đã tự tách ra và chối bỏ”. 

Binh sĩ Pháp được triển khai tại Paris sau vụ khủng bố đẫm máu hồi tháng 11/2015. Ảnh: AFP/Getty Images

Thực tế cho thấy, mối liên quan giữa "2 quốc tịch" và khủng bố là vô căn cứ và không có tính thuyết phục. Trong số khoảng 15 phần tử khủng bố tấn công nước Pháp kể từ năm 2011, chỉ có 2 tên là Mohamed Merah và Abdelhamid Abaaoud mang 2 quốc tịch. Trong khi đó, hàng trăm thanh niên Pháp "một quốc tịch" đã tới Syria đứng trong hàng ngũ của IS và có thể trở về lại đứng ngoài dự luật này.

Vì những bất đồng với Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande xung quanh dự luật tước quốc tịch của những công dân Pháp bị kết tội khủng bố, ngày 27/1, Bộ trưởng Tư pháp Pháp Christiane Taubira đã nộp đơn xin từ chức. Bà Taubira tuyên bố phản đối dự luật này chỉ áp dụng với những người có 2 quốc tịch, nhằm tránh khả năng đẩy một người nào đó vào tình trạng không quốc tịch.

Bà cùng nhiều người thuộc cánh tả cho rằng dự luật này mang tính phân biệt đối xử với công dân Pháp, và chủ yếu mang tính biểu tượng vì nó khó có thể răn đe được những kẻ có mưu đồ tấn công khủng bố.

Một số ý kiến trong dư luận cho đây là một biện pháp của phái cực hữu. Mặt trận Quốc gia (FN) là lực lượng chính trị đầu tiên ca ngợi ý tưởng này, một ý tưởng "đã có từ lâu trong FN". Theo họ, để chống khủng bố, điều cần thiết không phải là tạo ra một đạo luật bổ sung nào đó, mà là việc triển khai các phương tiện, vốn thiếu lâu nay, như hệ thống các trạm kiểm soát. Lý luận này của phe cực hữu hoàn toàn có cơ sở. Thời cựu Tổng thống Sarkozy bãi bỏ 12.000 trạm cảnh sát và hiến binh từ 2007 - 2012, và thời Tổng thống Hollande, số này không được khôi phục lại...

Trong khi cuộc tranh cãi về vấn đề này đang diễn ra gay gắt ngay trong lòng đảng Xã hội và Cánh tả, thì cuộc điều tra của Elabe được kênh truyền hình lớn của Pháp –BFMTV - công bố, cho thấy: 86% người Pháp đồng tình với dự luật này. Tỷ lệ này còn cao hơn ở những người ủng hộ phái Cộng hòa (96%) và Mặt trận Quốc gia cực hữu (97%). Tỷ lệ ủng hộ của những người thuộc cánh hữu và trung dung đạt 93%. Trong khi đó, những người cánh tả có tỷ lệ ủng hộ 73%.

Cuộc điều tra trước đó của Elabe cho BFMTV, vào 17 - 18/11/2015, nghĩa là chỉ sau sự kiện 13/11 gần một tuần, cho một tỷ lệ còn cao hơn: 94% người Pháp ủng hộ biện pháp này (được Tổng thống F. Hollande tuyên bố trước Quốc hội họp tại Versailles ngày 16/11).

Những tương phản trong thái độ trước dự luật này cho thấy dân chúng Pháp ở thời điểm này mong muốn áp dụng những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn khủng bố, nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện sự phê phán những biện pháp cực đoan, đòi hỏi những điều chỉnh hợp lý để bảo vệ những giá trị của nền cộng hòa. Song trước mắt, vấn đề đảm bảo an ninh rõ ràng vẫn là ưu tiên vượt trội./.

Theo VOV