Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: Reuters |
Theo tờ The Jerusalem Post, Ngoại trưởng John Kerry đã đến Jordan vào hôm qua (20/2, giờ địa phương) cùng với đặc phái viên trong các cuộc đàm phán Israel-Palestine Frank Lowenstein, cũng sẽ gặp Nhà vua Jordan Abdullah và các quan chức khác để thảo luận về "các vấn đề an ninh trong khu vực", bao gồm cả cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS, cuộc nội chiến ở Syria, và "những căng thẳng tiếp diễn giữa Israel và Palestine", Bộ Ngoại giao cho biết.
Trước đó, hôm 19/2, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết không có lời giải thích nào về việc tại sao Ngoại trưởng Kerry không đến Israel, chỉ nói rằng "ông ấy chắc chắn sẽ đến Israel vào một thời điểm nào đó trong tương lai", trong khi các quan chức Israel nói rằng họ không có thông tin gì về một chuyến thăm dự kiến.
Lần cuối cùng Ngoại trưởng Kerry và Tổng thống Palestine Abbas gặp nhau là vào tháng 11 năm ngoái ở thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây. Cuộc họp lần này giữa ông Kerry với ông Abbas diễn ra vào thời điểm Mỹ đã giảm đáng kể sự lạc quan về khả năng tung ra một tiến trình ngoại giao hiệu quả cho Israel-Palestine, khi Bộ trưởng Kerry thậm chí còn không đề cập đến cuộc xung đột này trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi tháng trước.
Palestine vẫn đang tìm kiếm sự công nhận cho nhà nước độc lập của mình, vốn được công bố vào năm 1988, trên các vùng lãnh thổ của Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, và Dải Gaza, trong khi Chính phủ Israel tiếp tục từ chối công nhận Palestine như một thực thể chính trị và ngoại giao độc lập.
Nhà nước Palestine hiện được công nhận bởi 136 trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.
Những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Israel-Palestine càng leo thang từ tháng Chín năm ngoái với những cuộc đụng độ giữa thanh niên Palestine và lực lượng an ninh Israel tại khu vực Núi Đền ở Đông Jerusalem, do những tin đồn về kế hoạch của Israel nhằm khôi phục lại sự hiện diện của người Do Thái ở đó.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Jpost & Sputnik)