Ngày trước, trong kháng chiến, dân ta có câu cửa miệng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Từ việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước như cho con, em lên đường nhập ngũ, sẵn sàng đi những nơi khó khăn, gian khổ; xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới, cho đến việc luôn đi đầu trong sản xuất, lao động, trong chiến đấu; rồi đến việc hăng hái học tập, lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp thì cán bộ, đảng viên đều phải gương mẫu đi đầu thực hiện trước.


Bác Hồ luôn gần dân, quan tâm đến đời sống nhân dân. (Ảnh tư liệu)

Ngày ấy, cho đến ngày nay mỗi lời nói, mỗi việc làm của cán bộ, đảng viên đều được quần chúng nhân dân dõi theo, đánh giá, bình luận. Ở đâu cán bộ tốt ở đó có niềm tin của dân.

Nhân dân thường nhìn vào nếp sống, sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, đảng viên để noi theo. Khi nhìn thấy cán bộ có nhiều nhà, nhiều xe, cán bộ giàu lên nhanh một cách bất thường; thấy cán bộ tiêu xài xa hoa, lãng phí; cán bộ nói một đằng làm một nẻo thì lòng tin của họ bị xói mòn, lung lay.

Và gần đây câu chuyện lợi ích nhóm, “lợi anh, lợi tôi, lợi cả đôi đường” đã có lúc chi phối cả một tập thể, “bẻ cong” cả luân thường đạo lý, pháp luật. Như vậy, thử hỏi dân tin làm sao được.

Nhìn lại lịch sử đất nước ta, bậc tiền nhân Lê Quý Đôn đã từng đúc kết về 5 nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất nước: Một là, trẻ không kính già. Hai là, trò không trọng thầy. Ba là, tham nhũng tràn lan. Bốn là, binh kiêu tướng thoái. Năm là, sĩ phu ngoảnh mặt với thời cuộc. Dường như sự cảnh báo đó vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

Có thể nói rằng trong cơ chế thị trường giữa mặt tích cực và không tích cực, giữa trách nhiệm tập thể và lợi ích cá nhân luôn đan xen nhau. Nếu biết khai thác tốt mặt tích cực sẽ cho kết quả tốt đẹp. Ví như, có không ít cán bộ biết làm giàu và giàu lên nhanh một cách chính đáng, hợp pháp thì rất đáng hoan nghênh và học tập.

Họ có năng lực làm giàu, biết làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng xã hội. Đảng ta cũng đang khuyến khích những tập thể, cá nhân như vậy bởi mục tiêu lâu dài của đất nước ta là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu ấy đã và đang là động lực thúc đẩy, là kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân ta.

Trong nhiệm kỳ XI, Đảng ta có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn học và làm theo Bác thì hãy từ những công việc bình dị  hàng ngày.

Chẳng cần phải nói xa xôi hay “đao to búa lớn” gì, mỗi cán bộ, đảng viên chỉ cần gương mẫu, miệng nói tay làm thì sức cảm hóa, lay động tới nhân dân, tới xã hội nhiều lắm. Điều gì có lợi cho dân, cho nước thì cố gắng làm; điều gì không có lợi cho dân, cho nước thì hết sức tránh.

Cán bộ, đảng viên phải sống gần dân, trọng dân và vì dân. Chỉ khi những điều đó không còn là khẩu hiệu trên giấy nữa thì công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp đổi mới của Đảng ta sẽ thành công.

Gương mẫu và nói đi đôi với làm là những phẩm chất rất trong sáng, giản dị và vô cùng quan trọng của cán bộ, đảng viên.

Nó có sức lan tỏa sâu sắc để biến thành niềm tin, sức mạnh trong lòng dân, trong cuộc sống. Như vậy, không chỉ ngày trước mà cả ngày nay câu cửa miệng của dân “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” sẽ đi vào cuộc sống, không cần phải tuyên truyền, vận động gì nhiều.

Nguyễn Đăng Tiến  - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (Theo VOV)