Nhu cầu chuyển nhượng một nửa diện tích

 

Bà Thiệp cho biết, mẹ con bà không có nhà ở, nên năm 2000 được UBND xã bố trí 199m2 đất, để làm nhà. Vì hoàn cảnh đơn côi, khó khăn về kinh tế, nên bà phải vay mượn tiền, chịu lãi suất cao, để làm nhà. Năm 2004, bà tiếp tục vay tiền, kê khai thủ tục, làm được “thẻ đỏ”. Năm 2008, bà cưới vợ cho con, Nhưng không may, sau khi cưới được 3 ngày, con dâu (đang bệnh nặng) chết. Đã nghèo khó, nợ nần càng chồng chất.

 

Ngày 15/10/2010, bà Thiệp được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Chợ Mai cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi, sản xuất, và cố gắng trả nợ. Nhưng vay khoản này đắp đổi khoản kia, lãi suất tăng cao, nên vẫn không sao trả nợ được. Ngày 15/10/2011, khoản nợ gốc 10 triệu đồng và lãi kèm theo đến kỳ phải trả, nhưng chưa thanh toán được, nên ngân hàng thông báo chuyển khoản tiền trên sang nợ quá hạn. Không còn cách nào khác, bà Thiệp phải tính đến chuyện bán diện tích đất còn lại, để có tiền trả nợ.

 

Một nửa diện tích đất được giao, bà Thiệp làm nhà ở, nửa còn lại bà có nhu cầu chuyển nhượng nhưng không được tách thửa như nêu trên.

 

Thế nhưng, nhiều lần bà cùng người mua đất đến UBND xã xin phép làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng cán bộ địa chính xã nói: chỉ thị của huyện là “không cho bán”. Hồ sơ của bà bị trả lại. Bà Thiệp tìm hiểu thực tế thì được biết, những người được giao đất ở thôn Tiên Nộn, giao xong là họ bán, không làm nhà ở. Vậy, lý do gì trường hợp của bà, chính quyền địa phương lại không cho bán?

 

Đất của bà Thiệp nằm trong diện không được tách thửa

 

Lý giải vấn đề nêu trên, ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, xã áp dụng theo Công văn số 489 ngày 2/7/2009 của UBND huyện Phú Vang, có nội dung “UBND huyện hạn chế tối đa việc giải quyết chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất được giao cho các hộ làm nhà ở”. Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Đức, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường lại cho biết: Đối chiếu theo Quyết định số 313/QĐ-UB ngày 29/6/2000 của UBND huyện Phú Vang về việc chuyển mục đích sử dụng đất và Quyết định số 50/2010/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của UBND tỉnh về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thì trường hợp đất bà Thiệp nằm trong diện không được tách thửa vì “đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, phân lô theo quy hoạch được duyệt thì thửa đất được xác định theo dự án và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt” (điểm c khoản 5 điều 1 Quyết định 50 nêu trên) và nằm trong bản vẽ quy hoạch ngày 29/6/2000 của UBND huyện Phú Vang (gồm 10 lô đất, mỗi lô có diện tích 199m2 tọa lạc tại thôn Tiên Nộn).

 

Quy định này không hạn chế quyền định đoạt của người sử dụng đất (trong đó có chuyển nhượng) đối với toàn bộ thửa đất đã phân lô, nhưng không cho phép họ được tách thửa, để hạn chế manh mún trong quy hoạch (điều này lý giải thắc mắc của bà Thiệp về các trường hợp không làm nhà ở mà chuyển nhượng cho người khác, được chính quyền cấp có thẩm quyền cho phép).

 

Theo ông Huỳnh Văn Đức, nếu vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện thì huyện xử lý. Nhưng, quy định nêu trên do cấp tỉnh ban hành. Do đó, hộ bà Nguyễn Thị Thiệp có hoàn cảnh và nguyện vọng như nêu trên, nếu có đơn gửi huyện thì huyện sẽ có văn bản trình cấp trên xem xét, giải quyết.

 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh