Đây cũng không phải là ngoại lệ với Thừa Thiên Huế, nhất là khi người dân sau khi về thăm quê dịp Tết trở vào Nam làm việc rất cao. Vấn đề là ở chỗ, điều này lại được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện truyền thông với những từ như chật vật, bát nháo, hét giá, khan hiếm, xe dù nở rộ, hành khách bị “chặt chém”... dù trước đó, thông tin về việc tăng chuyến để đảm bảo nhu cầu của người dân được đơn vị kinh doanh và phục vụ lên phương án rất cụ thể. 

Theo chúng tôi, cần xem đây là một trong những việc cần phải được ưu tiên lên kế hoạch “ứng chiến” hàng đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là khi điều này chỉ ở trong một thời điểm nhất định, luôn dự báo được trước. Và sự vận hành nó, không chỉ ở năng lực, khả năng đáp ứng thị trường của đơn vị kinh doanh mà còn cần đến sự phối hợp, cùng nhau giải quyết của các đơn vị chức năng khác như chính quyền địa phương, cơ quan công an, thanh tra giao thông và ngay cả với các kênh truyền thông trên địa bàn để có thông tin đến người dân...

Có một điểm mà chúng tôi lưu ý trong diễn tiến của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sau Tết nguyên đán là việc các nhà xe không cho xe vào Bến xe Quảng Điền mà trực tiếp đón khách từ bãi đậu đỗ cách đó vài chục mét, dẫn đến tình trạng khá nhiễu nhương trong việc tranh giành khách và giá vé lại cao hơn vé bán tại bến khoảng 30% (giá bán tại bến chỉ từ 600.000 - 800.000 đồng/vé nhưng xe “dù” lại ở mức giá 1,2 - 1,3 triệu đồng/vé). Có lẽ cần phải tìm hiểu lại bất cập ở đây là gì khi đây là một bên xe được đầu tư mới, vừa được đưa vào khai thác từ đầu năm 2016 trên diện tích đất 5.000m2, riêng diện tích bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách 1.000m2, diện tích bãi đỗ xe dành cho phương tiện khai thác 900m2, còn có phòng chờ rộng rãi cho hành khách; phí xuất bến cũng chỉ ở mức 5.000 đồng/ghế đối với xe chạy đường dài; bình quân xe có 40 ghế giường nằm mỗi lần xuất bến là 200 ngàn đồng lại được đảm bảo về vệ sinh, môi trường. Trật tự ở đây chỉ được lặp lại khi công an huyện và thanh tra giao thông vào cuộc, đồng thời kiên quyết xử lý những xe không chấp hành thì nhiều chủ mới cho xe vào bến. Từ sự bức xúc của chủ xe, có thể thấy mấu chốt của vấn đề là ở chỗ, nếu các xe đều vào bến như nhau thì các nhà xe khác cũng sẽ chấp hành và sẽ không có tình trạng xe dù, bến cóc và cạnh tranh bát nháo như đã có.

Kiên quyết xử lý và lập lại trật tự trong lĩnh vực hoạt động này là cần thiết. Nhưng sự kiên quyết này phải được thiết lập ngay từ đầu, không chỉ đối với các phương tiện vận tải trong dịp Tết mà trong nhu cầu thường ngày. Có như thế mới tạo ra môi trường lành mạnh trong cạnh tranh, sự yên tâm trong đầu tư và sự hài lòng của hành khách. Đó cũng là một kênh nhận xét và đánh giá về năng lực quản lý và thu hút đầu tư ở nhiều loại hình khác chứ không chỉ ở lĩnh vực vận chuyển khách.

Nguyễn An Lê