Tầm từ 6-7 giờ sáng hàng ngày, người dân bắt đầu thả trâu dọc theo tuyến đường Tố Hữu nối dài đến đường Võ Nguyên Giáp rồi thẳng về khu vực đô thị Đông Nam Thủy An thuộc Khu đô thị mới An Vân Dương, bởi ở đây còn nhiều lô đất trống, cỏ dại mọc tươi tốt.
Đàn trâu đi vào bên trong dải phân cách, dẫm đạp lên cây cỏ do Nhà nước trồng
Đáng nói là, trên suốt chặng đường từ Tố Hữu đến đô thị Đông Nam Thủy An, đàn trâu bò khoảng hơn chục con đi lấn chiếm đường, ăn cỏ, phá cây cối. Một số đoạn trâu bò còn vào giữa các bồn trồng cây, dải phân cách dẫm đạp cây, hoa. Tại đô thị Đông Nam Thủy An, hàng ngày cũng có 3 đàn trâu bò với hàng chục con do người dân chăn thả đã dẫm nát bồn trồng cây, phóng uế gây ô nhiễm môi trường.
Đơn vị quản lý là Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị nhiều lần lên tiếng, nhắc nhở người dân song tình trạng này đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Trong buổi họp triển khai nhiệm vụ của Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị tổ chức đầu năm nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu các ban ngành, địa phương liên quan sớm giải quyết vấn đề trâu bò thả rong. Ông Phan Ngọc Thọ nêu giải pháp, Ban quản lý Phát triển khu vực đô thị chủ trì phối hợp với các địa phương liên quan tiến hành rà soát các hộ dân có nuôi trâu bò để tuyên truyền, nhắc nhở. Nếu tái vi phạm sẽ có hình thức xử lý kiên quyết.
Nuôi gia súc và thả rong trong khu vực đô thị, gây ô nhiễm môi trường và phá hoại tài sản của Nhà nước là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, qua tiếp xúc với một số người trực tiếp chăn trâu bò, thì được biết họ chỉ là người làm thuê, chủ ở xa, trong số đó có người không phải là người địa phương. Đây cũng là lý do việc xử lý trâu bò thả rong gặp khó khăn và chưa triệt để.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một vài năm trở lại đây, việc chăn nuôi trâu bò ở quanh khu vực Khu đô thị An Vân Dương phát triển mạnh do lợi nhuận từ cách làm ăn này khá hấp dẫn. Giá trung bình một con trâu trưởng thành khoảng vài chục triệu đồng. Một con trâu mẹ hàng năm có thể sinh một con trâu con, lợi nhuận cứ thế tăng lên. Người nuôi sau khi trừ tiền công trả cho người trực tiếp trông giữ, với một đàn khoảng hai chục con, có thể lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Do đó, dù không có khu vực chăn thả, song vì lợi nhuận trước mắt, một số người chuyển sang làm ăn, kinh doanh theo hướng này, dù điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ cho mỹ quan đô thị và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp.
Để chấm dứt tình trạng này, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm bằng nhiều hình thức khác nhau để làm gương cho người khác và hạn chế tình trạng phát triển tự phát đàn gia súc thả rong ở Khu đô thị mới An Vân Dương.
Linh Đan