Kể từ năm 1558 khi Chúa Nguyễn Hoàng được phép vào trấn thủ ở Thuận Hóa cho đến năm 1777, Đàng Trong bị nhà Tây Sơn tiêu diệt, đó là một quãng dài trên 200 năm của lịch sử với bao biến động và thay đổi. Đất Thừa Thiên Huế với các địa danh Phước Yên qua Bác Vọng đến Kim Long, rồi Phú Xuân đóng vai trò thủ phủ (1626 -1777), là nơi ghi lại bao dấu ấn lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của xứ Đàng Trong.

So với kinh thành Huế thời Vương triều Nguyễn, Huế xưa dưới thời Chúa Nguyễn không nguyên vẹn và hoành tráng bằng nhưng vẫn còn đó nhiều dấu tích để khám phá và chiêm nghiệm. Đó là khu lăng mộ đầy đủ cả “Chín chúa” ở vùng núi thuộc các làng La Khê và Hải Cát thuộc thị xã Hương Trà. Đó cũng là những dấu tích tuy chỉ là những mảnh vỡ nhưng cũng khiến bàng bạc lòng người khi về với các làng quê “thủ phủ” Phước Yên, Bác Vọng bên dòng sông Bồ hay Kim Long (TP Huế), nơi ngược dòng Hương Giang.

Một lần đến thăm các lăng Chúa, một lộ trình không quá xa hay quá gần, với nhiều trải nghiệm đi xe, qua đò, rồi đi bộ ven theo những con đường mòn ẩn mình dưới những tán cây cao sẽ là một cảm giác khó quên dành cho bất kỳ ai. Lăng Chúa không cầu kỳ và hoành tráng như lăng Vua Nguyễn cách đó không xa nhưng lại hấp dẫn người thăm bởi cảnh quan bí hiểm, sự gần gũi trong kiến trúc xây dựng và cả không gian với cự ly không cách xa nhau của mỗi công trình.

Dấu tích xưa về thời Chúa Nguyễn còn lại ở Thừa Thiên là những địa danh như phố Thanh Hà xưa từng là một thương cảng lớn vào các thế kỷ XVII và XVIII, sánh tầm với Hội An. Còn nữa là những đến thờ, lăng mộ của các nhân vật lịch sử thời Chúa Nguyễn, như miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật ở xã Quảng Thọ hay khu lăng mộ của bậc danh thần Nguyễn Cư Trinh ở xã Lộc Hòa ( Phú Lộc) mà mới đây thôi vào đầu năm 2016, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông. 

Ngôi chùa lâu đời nhất và huyền thoại Thiên Mụ của xứ Huế ra đời dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Miếu thờ Bà Tơ ở làng Bác Vọng ( Quảng Phú, Quảng Điền) hay miếu thờ Bà Trà ở làng Diêm Trường (Phú Lộc) là những nhân vật lịch sử có công giữ nước, nhuốm màu huyền thoại gắn với thời kỳ Chúa Nguyễn. Miếu thờ Bà Tơ ở làng Bác Vọng gắn liền với lễ tế dân gian hàng năm hình thức hát bả trạo và lễ hội Sóng nước Tam Giang trong những năm gần đây.

Hành trình khám phá du lịch về thời kỳ Chúa Nguyễn ở Thừa Thiên Huế ẩn chứa nhiều bất ngờ và thú vị. Nó cần được đánh thức dậy trước hết bằng những hiểu biết về các dấu tích còn lại. Đó thật sự là kho báu một thời gian dài bị lãng quên.

Đan Duy