Một loài cây thân gỗ mọc tự nhiên rất nhiều ở các làng quê xứ Huế. Ở làng tôi, chỉ cách nhau mấy xóm nhưng tên gọi loài cây này lại  khác nhau. Ở xóm tôi kêu là cây bời lời, ở ngụ Nhì Tây lại kêu là cây xương mắm. Một đứa em bạn ở làng Thế Chí đông thì nói với tôi  là anh viết về súng bời lời đọc cho vui. Cây bời lời cũng giống như cây sầu đâu (sầu đông) mọc khắp ở lùm cây, hàng rào quanh nhà ở làng. Cuối xuân, khi lá lên xanh rì, bời lời là nơi lũ sâu tằm không biết từ đâu bò khắp cành lá kéo sợi làm kén. Đó là một món ngon trời cho. Thuở nhỏ, cứ trèo lên cây bời lời, thấy con sâu tằm mô bắt kéo kén trên lá là cứ thế mà lượm. Bao nhiêu là tằm, là xíu đổ đầy một chảo chiên lên và ăn ngon chi lạ… Rồi đến cuối hè, đầu thu cây ra những chùm trái đặc cả cành. Trái bời lời không ăn được nhưng lại là những viên “đạn dược” của trò chơi bắn súng của trẻ con nông thôn ngày trước . Súng bời lời được làm  những thân mung (nứa). Đơn giản là súng ét, chỉ một ống mung, nhét từng trái bời lời vào, rồi lấy một cái ống mung ngắn hơn làm tay cầm, nhét vô đó một chiếc đũa tre và thụt bắn nghe bép bép, tạch tạch. Nhưng chơi súng bời lời chơi cho thiệt đã lỗ tai phải là súng băng, ghép hai ống mung vuông góc rồi bỏ khoảng vài chục hột bời lời vô ống mung dọc để bắn liên thanh.

Đến mùa trái bời lời, hầu như trong cái bị đệm lát đi học của thằng con trai mô cũng có cây súng mung. Đến trường không được chơi thì trên đường đi học về chia hai phe bắn nhau. Bắn hết “đạn” thì xung vô xáp lá cà cướp súng. Những âm thanh của súng bời lời nổ lép bép, tạch tạch nghe thiệt vui tai trong tiếng cười hả hê của một bầy con nít. Tuổi học trò áo trắng thành áo hoa cũng do chơi súng bời lời. Cái thời trẻ con hồn nhiên đó nghĩ lại cứ buồn cười, nhất là cái đoạn mấy đứa súng bị hết “đạn” cứ ôm đầu chịu trận xong rồi toét miệng ra cùng nhau cười hề hề…

Trò chơi ríu rít tuổi thơ trong trẻo dưới lũy tre rì rào đường đất của làng quê thuở nào đã vô tư trôi vào quên lãng. Có người về làng chỉ mong một lần được gặp lại cũng đã muộn mất rồi…

NHÃ AN