Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi sẽ tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm cắt đứt các tuyến đường buôn người và kiềm chế dòng người di cư bất hợp pháp trong vùng biển Aegean", tuyên bố cho biết, và nói thêm rằng "các tàu NATO sẽ cung cấp thông tin cho lực lượng lính tuần duyên và các cơ quan quốc gia khác của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo Tổng thư ký Stoltenberg, Cụm Hàng hải thường trực số 2 (SNMG2) của NATO triển khai ở Biển Aegean sẽ tiến hành trinh sát, giám sát các hoạt động trong vùng biển này và sẽ duy trì liên lạc với cơ quan biên giới Frontex của EU.
"Nhiệm vụ của NATO không phải là bắt các tàu thuyền quay đầu, mà chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin quan trọng để các lực lượng tuần duyên của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của Frontex thực hiện công việc của mình hiệu quả hơn", Tổng thư ký NATO giải thích trong tuyên bố của mình.
Ông Stoltenberg quy định, trong trường hợp các tàu đồng minh tìm thấy người bị nạn trên biển đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, thì những người này sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, các quốc gia châu Âu đang vật lộn để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư khổng lồ, khi hàng trăm ngàn người dân rời khỏi các nước bị xung đột tàn phá ở Trung Đông và Bắc Phi để đến châu Âu.
Hồi đầu tháng này, Tổng thư ký Stoltenberg công bố kế hoạch triển khai các tàu NATO ở Biển Aegean để chống lại nạn buôn bán người di cư vào châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO cũng nhất trí rằng, liên minh quân sự nên tham gia vào các nỗ lực quốc tế để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và triển khai một số tàu của Cụm Hàng hải thường trực số 2 tới Biển Aegean.
Theo ông Stoltenberg, khối quân sự này sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra và giám sát dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để hỗ trợ Ankara trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia trung chuyển quan trọng của hàng ngàn người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria và các nơi khác ở Trung Đông đang hướng về châu Âu. Trong cuộc họp tại Brussels vào tuần trước, Hội đồng châu Âu khẳng định rằng dòng người di cư đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn quá cao.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 78.000 người di cư hoặc tị nạn đã vượt biên vào Hy Lạp kể từ đầu năm 2016 này.
Bảo Nghi (Lược dịch từ Sputnik & Newtral)