Các cửa biển đều bị bồi lắng
Âu thuyền xã Phú Hải (Phus Vang) có quy mô thiết kế neo đậu khoảng 500 chiếc tàu, thuyền, nhưng thực tế chỉ chứa hơn 100 chiếc. Ngoài bị xuống cấp, tình trạng luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng khiến tàu, thuyền không thể vào neo đậu, tránh trú bão. Chủ tịch UBND xã Phú Hải-Phan Minh Thắng cho biết, âu thuyền Phú Hải bị bồi lắng, chiều sâu chỉ còn 1,5 mét so với thiết kế là 2,5 mét. Nhà nước từng đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng để nạo vét luồng lạch tại âu thuyền, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại bị bồi lắng.
Tàu ra vào cảng Thuận An rất khó vì thiếu độ sâu
Hệ thống luồng lạch tại âu thuyền Phú Thuận, cảng Thuận An cũng rơi vào cảnh tương tự. Tình trạng bị bồi lắng diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ nông lâm ngư thị trấn Thuận An (Phú Vang) chia sẻ: “Chính quyền địa phương rất nan giải trước tình trạng cửa biển bị bồi lắng ngày càng nghiêm trọng. Chi phí nạo vét có thể lên đến cả chục tỷ đồng, ngoài khả năng của địa phương”.
“Tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành Trung ương đầu tư mở rộng cảng cá Thuận An lên cảng loại 1; nâng cấp các âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận…; có phương án nạo vét luồng lạch tại các cửa biển một cách hợp lý. Chủ trương của tỉnh đã được các bộ, ngành thống nhất, đồng thời yêu tỉnh sớm lập đề án, trình Chính phủ phê duyệt đầu tư, triển khai xây dựng trong thời gian sớm nhất” TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin |
Cửa biển Tư Dung, xã Lộc Bình gần đây bị cạn trơ đáy, tàu thuyền không thể ra vào. Tại cửa biển Tư Hiền vào thời điểm nước lớn, tàu, thuyền mới có thể ra vào. Chủ tịch UBND xã Lộc Trì (Phú Lộc)-Cái Trọng Như cho biết, lâu nay tàu, thuyền của ngư dân của địa phương phải vào các âu thuyền Đà Nẵng để neo đậu, một số chạy ngược lên cửa biển Thuận An mới vào được cửa biển Tư Hiền, rất tốn kém chi phí nhiên liệu.
Cửa biển Lạch Giang thuộc xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) bị bồi lắng, thu hẹp khiến hàng trăm tàu, thuyền phải thường xuyên nằm bờ. “Nhiều thuyền ra vào cửa biển bị mắc cạn, gãy chân vịt, bánh lái không những tốn kém chi phí sửa chữa mà còn nguy hiểm đến tài sản, tính mạng. Người dân muốn đánh bắt phải đợi đến khi triều cường mới cho thuyền ra biển”, ông Nguyễn Minh ở thôn Bình An lo lắng.
Cần sớm có phương án nạo vét…
Từ lâu, nghề biển trở thành một hướng thoát nghèo, làm giàu đối với nhiều ngư dân. Từ khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời đã tạo động lực cho ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu, thuyền, ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi, bám biển phát triển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong khi số tàu đánh bắt xa bờ tăng “đột biến” (tăng gần 70 chiếc chỉ trong vòng 1 năm) thì các âu thuyền, cảng biển vẫn không mở rộng quy mô, thậm chí bị xuống cấp, luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng gây trở ngại mỗi khi ra vào, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và nguy cơ tai nạn.
Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ nông lâm ngư thị trấn Thuận An cho biết, thị trấn đã kiến nghị lên huyện, tỉnh và rất mong sớm có phương án đầu tư nạo vét cửa biển, luồng lạch nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản ngư dân”. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh kiến nghị, các cấp, ngành cần sớm có biện pháp nạo vét cửa biển Lạch Giang, tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền ra vào khai thác hải sản, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.
Chủ tịch UBND xã Lộc Trì-Cái Trọng Như cho biết, tạo thuận lợi cho ngư dân đánh bắt, neo đậu tàu, thuyền, Nhà nước đã đầu tư xây dựng âu thuyền Đông Hải, đến nay tiến độ đạt 70% khối lượng. Chính quyền địa phương kiến nghị tỉnh đốc thúc, chỉ đạo các đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình; đồng thời có biện pháp đầu tư nạo vét luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền dài 1,5km nhằm đảm bảo cho tàu, thuyền lưu thông ra vào.
Nguy cơ rình rập “Mấy năm gần đây, tại địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn tàu thuyền khi ra vào cửa biển, âu thuyền neo đậu. Gần đây nhất là trong tháng 12/2015 xảy ra liên tiếp hai vụ tàu mắc cạn (tàu của ông Dương Văn Thụ và Trần Văn Sơn), bị sóng đánh chìm khi ra vào cửa biển Thuận An. May mắn không thiệt hại về người, nhưng mỗi tàu bị hư hỏng, chi phí sửa chữa trên 100 triệu đồng”, ông Hà Thanh Hoài, cán bộ nông lâm ngư thị trấn Thuận An kể. Mới đây (2/1/2016), tàu cá mang số hiệu TTH-95141 của ngư dân Huỳnh Văn Lân ở xã Phú Hải trên đường trở về bờ đã bị mắc cạn tại cửa biển Thuận An. Chiếc tàu chở 9 thuyền viên bị sóng biển đánh chìm, rất may gặp tàu của ông Trương Văn Là phát hiện, đến cứu kịp thời nên không thiệt hại về tính mạng. Tuy nhiên thân tàu, máy móc, ngư cụ thiệt hại ước tính vài trăm triệu đồng. “Đến giờ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ khi tàu gặp nạn trên biển. Thiệt hại tài sản đã đành, song lo nhất là tính mạng ngư dân có nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi…”, ông Lân lo lắng. |
Bài, ảnh: Hoàng Triều