Các đại biểu tham dự buổi lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26/2. Ảnh: Reuters

Dự thảo thông cáo được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu gặp nhau tại Thượng Hải để cố gắng nhất trí về các biện pháp xây dựng lòng tin đối với nền kinh tế thế giới.

Bản dự thảo cũng nhắc lại cam kết trước đó từ Bộ trưởng Tài chính G20 về việc không tham gia vào hoạt động phá giá đồng tiền cạnh tranh, đồng thời bổ sung thêm nguy cơ sẽ đặt ra cho nền kinh tế thế giới nếu “Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu”.

Dự thảo cho thấy rằng, những bất ổn gần đây của thị trường toàn cầu đã dấy lên mối lo ngại đối với nền kinh tế mà không phản ánh nền tảng kinh tế. "Trong khi thừa nhận những thách thức này, chúng ta cần đánh giá rằng độ lớn của biến động thị trường gần đây không phản ánh được các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế toàn cầu", dự thảo nhấn mạnh.

Liên quan đến chính sách tiền tệ, Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, Đức đã phản bác lại quan điểm này. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc nới lỏng tiền tệ có thể tạo ra sự phản tác dụng. Theo ông Wolfgang Schaeuble, “chính sách tiền tệ đã đạt đến giới hạn”.

Cùng quan điểm với Đức, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin và người đồng cấp Mỹ Jacob Lew nhận định, tình hình hiện nay chưa đến mức khủng hoảng và không cần phải tiến hành chính sách mới.

Thanh Ngân (lược dịch từ Reuters & Intersignals)