Lâu nay, trên các phương tiện thông tin và cảnh báo của cơ quan chức năng đã đề cập nhiều về lừa đảo của các tổ chức mượn danh nghĩa kinh doanh đa cấp theo Nghị định của Thủ tướng Chính phủ.Thực ra nếu kinh doanh theo nghị định thì không có gì phải bàn, bên bán hàng và bên mua hàng đều có lợi theo đúng nghĩa của kinh doanh. Càng mua bán được nhiều thì lợi nhuận càng cao. Đồng nghĩa với nó là được làm giàu hợp pháp theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Ấy thế, sự đời không được như mong muốn nên mới nảy sinh ra sự lừa lọc, gian dối hay còn gọi là lừa đảo. Người chủ kinh doanh muốn bán hàng nhanh, lãi suất cao nên tìm mọi cách để quảng cáo thật rầm rộ bất chấp thực tế, bất chấp pháp luật miễn sao thu lợi nhanh nhất.Người tham gia kinh theo đa cấp cũng muốn như vậy, lại bị hoa mắt theo lợi nhuận quá cao trước mắt mà mù quáng chạy theo hay đúng hơn là “ đâm lao phải theo lao”. Ở đây cũng phải nói rằng, người chủ kinh doanh vi phạm pháp luật, người tham gia kinh doanh cũng là động lực thúc đẩy để chủ kinh doanh lao sâu vào con đường vi phạm. Đúng hơn đó là bán được hàng hóa càng nhanh, càng nhiều thì đôi bên đều có lợi, chỉ khác nhau đó là ai nắm được đằng cán thì bao giờ cũng chắc ăn hơn, lợi nhuận cao hơn.

Cũng phải nói một yếu tố đáng phê phán ở đây là lừa đảo lẫn nhau. Chủ hàng thì quảng cáo hàng tốt, hàng rẻ, càng bán nhiều thì lợi nhuận cho người bán được tăng theo cấp số nhân (hàng đa cấp). Người trực tiếp bán hàng cũng muốn bán nhanh, bán nhiều để được hưởng hoa hồng theo cấp số tăng dần. Từ đó bắt đầu nảy sinh lừa đảo. Người chủ lừa người bán thứ cấp, người bán thứ cấp lừa người cấp 2, cấp 3…. thậm chí lừa cả bà con, người thân của mình mà trong thâm tâm họ không hề muốn. Khi đã “theo lao”, tiền đã bị mất thì không ai còn sáng suốt chịu đựng một mình mà tiếp tục lôi kéo người thân vào vòng xoáy đa cấp, lừa đảo. Họ không nhận thức được rằng, không có kinh doanh kiểu gì mà chỉ trong vài ba tháng thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Thực chất đây là chiếc “bánh vẽ” được tô điểm để lừa đảo dưới danh nghĩa kinh doanh.

Ở tỉnh ta đã có không ít công ty tương tự như Liên kết Việt đến hoạt động kinh doanh, cũng đã có hàng trăm thậm chí hàng nghìn người tham gia sinh hoạt “tri ân khách hàng” và đã đóng tiền để lấy hàng về rồi ôm hận “cất vào kho”. Để qua mặt các cơ quan chức năng chủ kinh doanh đa cấp thường lấy danh nghĩa “hội nghị khách hàng”, “quảng bá sản phẩm” đến thuê các khách sạn, nhà nghỉ rồi quảng cáo, rỉ tai cho nhiều người đến dự, càng nhiều người thì cấp độ kinh doanh càng mở rộng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng đã đến “tiếp thị” bán hàng, đi vào tầng lớp sinh viên, phụ nữ, cán bộ hưu trí…. Hàng hóa có nhiều chủng loại khác nhau, nhưng đáng lưu ý là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Cũng đã có không ít người ngậm đắng nuốt cay khi lỡ góp tiền mua hàng rồi mà không biết bán cho ai!? Và rồi lại rơi vào vòng xoáy lừa đảo lẫn nhau, lừa đảo cả người thân của mình.

Bài học rút ra từ các vụ kinh doanh lừa đảo và từ hơn 60 ngàn người trong vụ án Công ty Liên kết Việt giúp chúng ta tỉnh táo, thận trọng hơn khi tham gia kinh doanh bán hàng đa cấp.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH