Được lựa chọn trao giải Nghệ sĩ trẻ, Oanh trải qua quá trình kiểm tra chặt chẽ của phía Thái Lan. Không chấm điểm một vài tác phẩm mà đánh giá cả quá trình cống hiến trong sáng tạo nghệ thuật, Trường đại học Hoàng gia Mahasarakham đã cử người sang thẩm định. Họ xem xét môi trường, cách làm việc và cả quá trình học tập, sáng tác của Oanh. “Nhờ đó mà em có cơ hội nhìn lại công việc của mình từ trước đến nay đã làm được gì, còn gì thiếu sót và những việc phải làm trong tương lai. Nhận giải thưởng, đó không chỉ là vinh dự mà em còn có cơ hội được giao lưu, học hỏi trong môi trường nghệ thuật quốc tế khi sang Thái Lan nhận giải giữa tháng 2 vừa qua”, Oanh vui vẻ.  

Trầm Thị Trạch Oanh 

Tốt nghiệp thủ khoa toàn trường năm 2015, Oanh vừa được Trường đại học Nghệ thuật Huế giữ lại làm giảng viên bộ môn Đồ họa. PGS.TS Phan Thanh Bình cho biết, trong điều kiện giảm biên chế như hiện nay nhưng nhà trường vẫn quyết tâm giữ Oanh lại vì em thật sự là một tài năng. Oanh chia sẻ: “Tết năm nay là cái Tết nhiều niềm vui của em khi sau Tết vừa được sang Thái Lan nhận giải, vừa được nhận vào giảng dạy ở trường. Trong môi trường nghệ thuật này, em có cơ hội được sống với niềm đam mê sáng tạo”. 

“Lạ” và “độc” trong ý tưởng

Sinh năm 1992 ở Tiên Phước, Quảng Nam, Trầm Thị Trạch Oanh đến với nghệ thuật hoàn toàn tình cờ. Thích vẽ và vẽ đẹp từ nhỏ, Oanh chọn thi vào ngành Kiến trúc của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và ngành Đồ họa của Đại học Nghệ thuật Huế. Khi ấy, đồ họa chỉ là ngành thi phụ của Oanh. Không ngờ, Oanh đậu cả 2 trường và quyết định học nghệ thuật vì thích môi trường yên bình ở Huế. Khi vào học, chưa biết gì nhiều về mỹ thuật, mọi thứ với Oanh là con số 0. Thế nhưng, càng học, Oanh càng say mê.

Tác phẩm “Giao mùa 5” - Ảnh: Tác giả cung cấp

Trong sáng tạo nghệ thuật, Trạch Oanh luôn tâm niệm rằng, vẽ để thể hiện những gì mình thích, hiểu và cảm, đồng thời tác phẩm ấy phải đem lại được điều gì đó ý nghĩa cho người xem. Hầu hết sáng tác của Oanh đều là tác phẩm đồ họa. Với Oanh, đồ họa khó cả về kỹ thuật lẫn ngôn ngữ tạo hình nhưng không vì thế mà không thể tạo ra cái đẹp. Chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, tác phẩm của Oanh thường hướng về chủ đề quê hương và tuổi thơ vốn gần gũi với em.

Quê hương Quảng Nam – mảnh đất anh hùng đã gợi cho Oanh cảm hứng để làm tác phẩm đồ họa sắp đặt vinh danh Mẹ Việt Nam Anh hùng có tên “Hoa của đất 2”. Oanh sử dụng hình ảnh của các liệt sĩ ghép thành đóa hoa ngũ sắc. Rồi dùng những cái rế tre vốn là vật dụng quen thuộc trong gian bếp ngày xưa kết những cụm hoa nhỏ thành cụm hoa lớn. Đó là hình ảnh của người mẹ với những đứa con. Những mô hình đóa hoa, cái nôi, vầng trăng là những sự dịch chuyển về ý nghĩa: người mẹ là đóa hoa, là chiếc nôi, là vầng trăng soi sáng cho con. Trong tác phẩm này, Oanh khai thác tính chất màu sắc độc đáo của in ấn đồ họa kết hợp với ánh sáng đèn để tạo nên hiệu ứng màu sắc đồ họa trên nền ánh sáng trắng. Chất đơn sắc, trầm, mộc của kỹ thuật litho trên bản gỗ vốn dĩ đã gợi nên yếu tố của lịch sử, huyền thoại, có nét xưa cũ của quá khứ, kết hợp với ánh sáng màu trắng lạnh của đèn Led, tất cả tổng hòa gợi nên sự trang nghiêm, với ý nghĩa vinh danh.

Một tác phẩm khác gây ấn tượng với người xem và giúp Oanh giành Huy chương Bạc tại Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các Trường Văn hóa Nghệ thuật, Thể dục Thể thao và Du lịch lần thứ II tổ chức tại Huế là “âm vang sóng biển”. Bằng thể loại book art, tác phẩm như một cuốn sách nghệ thuật ghi lại giai điệu của biển cả hòa với thiên nhiên lúc hoàng hôn. Sử dụng chất liệu đồ họa với nét và mảng chủ đạo, Oanh lột tả vẻ đẹp của biển cả qua từng trang sách bằng gam màu đen tím của khoảnh khắc chiều buông. Những hình ảnh sinh vật quen thuộc: cá, ốc, sao biển, san hô, rùa biển... hiện ra được cách điệu bằng những nét, mảng đơn giản, đan xen, hòa quyện với những hình ảnh sóng biển cuộn tròn, thỏi đá cụi, rong rêu... 

Đến bây giờ, PGS. TS Phan Thanh Bình vẫn vẹn nguyên ấn tượng ban đầu khi xem tác phẩm này: “Giữa không gian trưng bày với rất nhiều tác phẩm, ai cũng nhìn vào “Âm vang sóng biển” vì nó rất lạ. Ngay cả chúng tôi là nghệ sĩ chuyên nghiệp mà nhìn tác phẩm ấy cũng tò mò muốn chạm vào, mở ra xem ngay”. Rồi ông dành nhiều lời ưu ái khi nhận xét về cô học trò này: “Oanh rất chịu khó tìm tòi để tác phẩm đồ họa không chỉ được treo trên tường mà người xem còn có thể tương tác. Bằng cách biến tác phẩm đồ họa thành sách ảnh, có thể mở ra, gấp lại, Oanh đã tìm ra ngôn ngữ mới trong cách biểu đạt tác phẩm đồ họa. Và như thế, tác phẩm đồ họa vốn chưa được nhiều người biết đến có thể sống được và tương tác trực tiếp, kích thích thị giác của người xem”.

Ngoài việc luôn là sinh viên giỏi trong suốt các năm học đại học, tốt nghiệp thủ khoa toàn trường, nhiều lần được Trường đại học Nghệ thuật Huế và Đại học Huế khen thưởng, Trầm Thị Trạch Oanh còn tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật. Oanh đã đạt giải B của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam tại triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 20 – năm 2015; đoạt HCB tại Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường Văn hóa Nghệ Thuật, Thể dục Thể thao và Du lịch lần thứ II, giải C Hội Liên hiệp VHNT toàn quốc năm 2016.

TRANG HIỀN